Các nước châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học
Mặc dù châu Âu tiếp nhận ngày càng nhiều người nhập cư, song Liên hợp quốc dự đoán đến năm 2050, tổng số dân châu Âu sẽ giảm 5%.
Tạp chí Times dẫn nhận định của các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng xu hướng già hóa nói chung và suy giảm dân số nói riêng sẽ sớm đưa châu Âu đến một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, trong đó Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với hậu quả rõ ràng nhất.
Trong báo cáo của Ủy ban châu Âu được công bố tại Brussels (Bỉ), từ năm 2014 đã có những cảnh báo rằng tỷ lệ sinh trong khu vực đã giảm xuống mức đáng lo ngại và điều này có thể dẫn đến sự suy giảm dân số tự nhiên ở nhiều nước châu Âu.
Theo Times, dân số của một số quốc gia khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang giảm và già đi tương đối nhanh, nhưng tình hình ở châu Âu còn kịch tính hơn.
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc nhận định dân số của lục địa này sẽ bắt đầu giảm vào năm tới.
Mặc dù châu Âu tiếp nhận ngày càng nhiều người nhập cư, song Liên hợp quốc dự đoán đến năm 2050, tổng số dân châu Âu sẽ giảm 5%.
Hơn nữa, nếu vào năm 1950, số người từ 65 tuổi trở lên chỉ chiếm 7,6% dân số châu Âu, thì đến năm 2050, ở Đức, số người ở độ tuổi này sẽ chiếm tới 30,7%. Theo sau Đức sẽ là Pháp với 26,6% và Vương quốc Anh là 24,9%.
Theo các chuyên gia, sở dĩ châu Âu rơi vào tình trạng như vậy là do vào thời hoàng kim sau chiến tranh, lục địa này là khu vực đầu tiên đạt được sự chuyển đổi dân chủ, với đặc trưng tỷ lệ sinh và tử vong thấp.
Sau đó, tỷ lệ sinh thậm chí còn giảm nhiều hơn do phụ nữ bắt đầu làm việc tích cực hơn và đạt được cơ hội bình đẳng với nam giới, do đó, ngày càng nhiều cặp vợ chồng quyết định không sinh con.
Các chuyên gia cho rằng dân số giảm và già hóa cũng có thể có tác động có lợi đối với môi trường, theo đó ngày càng nhiều người có lối sống ít vận động và mức tiêu thụ năng lượng chung sẽ giảm, nhờ đó khí thải độc hại vào khí quyển trong tương lai có thể giảm dần về mức của thời kỳ tiền công nghiệp./.