Các nước châu Âu nỗ lực ứng phó với cháy rừng và mưa lũ
Ngày 7/8, Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) cho biết chính quyền các vùng Andalusia ở cực Nam, Castilla-La Mancha ở khu vực trung tâm và Extremadura ở miền Tây đã ban bố cảnh báo về nắng nóng ở mức màu da cam với nhiệt độ dự kiến lên tới 43 độ C.
Quốc gia Nam Âu đang trải qua đợt nắng nóng thứ 3 của mùa Hè, với cháy rừng đang hoành hành và đã thiêu rụi hơn 1.000 đất ở nước này chỉ trong cuối tuần qua.
Cập nhật tình hình cháy rừng tại Tây Ban Nha, cơ quan phòng cháy chữa cháy Infoca cho biết, hai đám cháy bùng phát tại địa điểm gần thành phố du lịch ven biển Cadiz và gần thành phố Huelva, miền Tây Nam Tây Ban Nha đều đã được khống chế trong ngày 6/8. Trong khi đó, nỗ lực dập tắt đám cháy tại Catalonia, trên bờ biển Địa Trung Hải gần biên giới Pháp, gặp nhiều khó khăn hơn do ảnh hưởng của gió mạnh. Tuy nhiên, đến tối 7/8, đám cháy này đã dần nằm trong tầm kiểm soát. Hơn 30 đơn vị cứu hỏa vẫn đang được triển khai tại khu vực này để chuẩn bị cho công tác ứng cứu kịp thời.
Catalonia và Andalusia vốn là hai khu vực thường xuyên hứng chịu nắng nóng và khô hạn, với nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn.
Cùng ngày, giới chức Cyprus cũng cảnh báo nguy cơ cháy rừng bùng phát trở lại, sau đám cháy rừng với quy mô lớn nhất năm đã được khống chế trước đó.
Bộ trưởng Tư pháp Anna Koukkides-Prokopiou cho biết, đám cháy ở rìa thành phố lớn thứ 2 nước này Limassol đã được kiểm soát, song tình thế có thể thay đổi. Bà cho biết các cơ quan chức năng đã nâng cảnh báo lên mức cao, trong bối cảnh dự báo thời tiết chỉ ra nguy cơ gió mạnh. Đám cháy bùng phát ở Alassa hôm 4/8 ban đầu đã được kiểm soát nhưng bùng phát trở lại vào hôm 6/8, khiến khoảng 7,5-10 km2 thảm thực vật bị thiêu rụi.
Cyprus với tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của khối để kêu gọi hỗ trợ từ các nước trong khu vực. Nhà chức trách Cyprus cho biết Hy Lạp sẽ gửi 2 máy bay trực thăng để hỗ trợ nỗ lực cứu hỏa. Trước đó, Jordan cũng đã triển khai 3 máy bay đến Cyprus để giúp khắc phục hỏa hoạn.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy vẫn chưa được xác nhận. Tháng 7 vừa qua cũng là tháng nóng nhất trong lịch sử của Cyprus, trong đó 17 ngày ghi nhận nhiệt độ trên mức 40 độ C. Các nhà khoa học đã xếp khu vực Địa Trung Hải là "điểm nóng" về biến đổi khí hậu.
Đảo Sardinia của Italy cũng đang ghi nhận các đám cháy lớn hoành hành ở phía Bắc và Nam hòn đảo, với điều kiện gió mạnh khiến công tác cứu hỏa gặp khó khăn. Ngày 7/8, chính quyền khu vực đã sơ tán khoảng 600 người để tránh rủi ro liên quan các đám cháy.
Theo hãng tin địa phương ANSA, đám cháy lớn bùng phát chiều 6/8 tại thành phố Posada ở tỉnh Nuoro phía Đông Bắc của Sardinia đã dẫn đến một "tình huống nghiêm trọng", khi gió thổi khiến đám cháy lan về hướng các ngôi làng ven biển vốn đông khách du lịch.
Sáng 7/8, các máy bay trực thăng và lính cứu hỏa của Canadair vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực dập lửa trong khi chờ tiếp viện. ANSA cho biết các đám cháy đã tàn phá các trang trại và phá hủy nguồn dự trữ thức ăn thô xanh ở khu vực Feraxi, trong khi đe dọa an toàn tại một số cơ sở lưu trú.
Trong một thông cáo báo chí, Thống đốc Sardinia Christian Solinas cho biết ông đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ dân sự quốc gia tăng cường triển khai máy bay chữa cháy và gửi cảnh báo sớm về việc kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự châu Âu. Ông cũng không loại trừ khả năng nguyên nhân vụ cháy là do đốt phá, đồng thời cho biết đã chỉ thị cho các cơ quan lâm nghiệp khu vực tiế hành điều tra làm rõ vụ việc.
Truyền thông Slovenia đưa tin mưa lớn và lũ lụt tại nước này đến nay đã khiến 6 người thiệt mạng. Thủ tướng Robert Golob đánh giá những trận mưa và lũ lụt mà nước này đang đối mặt là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây. Ngày 3/8, nhiều vùng rộng lớn ở miền Trung và miền Bắc Slovenia đã ghi nhận lũ quét và lở đất, khiến giao thông cũng chịu gián đoạn.
Slovenia đã yêu cầu hỗ trợ của khối liên minh EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó tìm kiếm nguồn cung các máy móc hạng nặng và các nguồn lực khác để khắc phục hậu quả thiên tai. Ngày 6/8, Hungary đã gửi viện trợ nhân đạo và thực phẩm cho Slovenia bằng xe tải và trực thăng, trong khi Croatia cung cấp một máy bay trực thăng quân sự khác để giúp bảo vệ con đê bị vỡ trên sông Mura. Chính phủ Đức ngày 7/8 cũng thông báo đã triển khai lực lượng bảo vệ dân sự tới Slovenia để ứng phó với bão lũ nghiêm trọng.
Quốc gia nằm trên dãy Alps này đã hứng chịu một số cơn bão cường độ mạnh hồi đầu mùa Hè làm tốc mái nhà, quật ngã hàng nghìn cây cối và làm một người ở Slovenia và 4 người ở các nước láng giềng thiệt mạng. Các chuyên gia cho rằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt một phần là do biến đổi khí hậu.