Các nước Đông Nam Á nỗ lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19
Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, Indonesia tăng cường binh sỹ tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, trong khi Malaysia đã cho phép nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ngày 10/2, Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa dịch bệnh COVID-19, sử dụng 600.000 liều vắcxin do Trung Quốc viện trợ.
Những người đầu tiên được tiêm vắcxin gồm con trai của Thủ tướng Hun Sen và các bộ trưởng chính phủ. Việc tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 được tổ chức tại 4 địa điểm gồm Bệnh viện Calmette, Bệnh viện Ang Doung, Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet và Viện Nhi quốc gia.
Campuchia được đánh giá tương đối thành công trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Cho đến nay, nước này ghi nhận 478 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào dù một ổ dịch bùng lên trong cộng đồng hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, Quân đội Indonesia (TNI) thông báo sẽ triển khai gần 30.000 quân nhân để thực hiện công tác truy vết dịch COVID-19 tại 7 tỉnh ở khu vực Java-Bali.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Đại tướng Hadi Tjahjanto cho biết, ngoài vai trò là những người đảm bảo duy trì các quy định về y tế, lực lượng này có thể giúp chính phủ thực hiện việc truy vết COVID-19 trong cộng đồng.
TNI cũng đã chuẩn bị đội ngũ quân y để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia do chính phủ phát động. Hiện tại, TNI có 1.008 nhân viên y tế và sẽ gia tăng con số này bằng cách đào tạo 10.000 người đủ năng lực để tham gia chương trình tiêm chủng mới. TNI cũng đã chuẩn bị các dây chuyền làm lạnh, tủ mát được phân phối cho các cơ sở y tế tiên tiến để bảo quản vắcxin.
Tại Malaysia, sau 28 ngày bị áp đặt phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, từ sáng 10/2, 18 loại hình kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ được Chính phủ Malaysia cho phép hoạt động trở lại. Đây được cho là giải pháp cần thiết nhằm cứu cánh cho nhiều người trước những khó khăn do dịch COVID-19.
Trong đó, các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện việc khử trùng ba lần một ngày trong giờ làm việc, bắt buộc nhân viên và khách hàng phải đeo khẩu trang và khuyến khích thanh toán điện tử. Đối với các cửa hàng quần áo, các nhà điều hành sẽ cung cấp găng tay dùng một lần cho khách hàng trong khi các cửa hàng mỹ phẩm chỉ được phép bán các sản phẩm trang điểm, dưỡng da và nước hoa.
Đáng chú ý, các nhà hàng cũng được phép đón thực khách trở lại với quy định chỉ 2 người một bàn và khoảng cách phải đảm bảo tối thiểu 1m. Ngoài ra, chủ nhà hàng phải cử một nhân viên kiểm soát việc ra vào của khách hàng và hạn chế số lượng thực khách cùng một lúc.
Bộ trưởng Cấp cao phụ trách vấn đề An ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết kể từ khi lệnh phong tỏa được thực thi, nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng về kinh tế và tài chính trong đó một số doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo Bộ trưởng Ismail Sabri, đây chính là nguyên nhân mà sau cuộc họp đặc biệt vào ngày 9/2, Hội đồng An ninh Quốc gia đã đồng ý mở cửa trở lại các lĩnh vực bán lẻ còn lại vì sự sống còn của nền kinh tế. Trước đó, chính phủ nước này đã nới lỏng một số quy định bằng cách cho phép một số dịch vụ như rửa xe, cắt tóc được hoạt động trở lại.
Cùng ngày, Thái Lan xác nhận có thêm 157 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có một ca tử vong. Bệnh nhân mới tử vong là một phụ nữ 65 tuổi có tiền sử suy thận và bị lây nhiễm virus SARS- CoV-2 từ người nhà bị nhiễm bệnh ở Samut Sakhon. Trong số các ca nhiễm mới vừa công bố có 144 ca lây nhiễm trong nước và 13 ca nhiễm nhập cảnh.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo đã phát hiện 1.345 ca nhiễm mới và 114 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi. Cho đến nay, Philippines đã xét nghiệm cho 7,66 triệu trong tổng dân số 110 triệu người kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại nước này vào tháng 1/2020./.