Các nước đua nhau dựng 'rào cản': Xuất khẩu nông sản 'ăn xổi' dễ bị cấm cửa
Không chỉ đưa ra cảnh báo vi phạm, các thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt còn dựng thêm nhiều 'rào cản' với hàng nhập khẩu. Nếu vẫn làm theo kiểu 'ăn xổi', nông sản Việt dễ bị cấm cửa.
Liên tiếp nhận cảnh báo
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã thông báo những quy định mới của EU về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời đối với kiểm soát an toàn thực phẩm áp dụng với một số hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu gồm ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
Thực tế, trong năm vừa qua, EU đã nhiều lần đưa ra cảnh báo vi phạm với các mặt hàng nông sản Việt khi xuất khẩu vào thị trường này.
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, 10 tháng năm 2023, EU đưa ra 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Trong đó, rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp; sản phẩm thủy sản có 19 trường hợp; bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác là 13 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu do dư lượng hóa chất vượt ngưỡng, vi phạm do độc tố nấm mốc.
Không chỉ EU, tháng 12 vừa qua, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Sau đó, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy.
Thời điểm tháng 10/2023, một lô hàng là các sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp ở TP. HCM xuất khẩu sang Iceland đã bị phát đi cảnh báo trên Hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về hàm lượng cao Carbaryl (thuốc trừ sâu) có trong quả bòn bon của Việt Nam, có khả năng gây hại cho con người.
Trước đó, tháng 7/2023, Trung Quốc cũng phát cảnh báo vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật với chuối, mít, thanh long, sầu riêng,... từ Việt Nam. Hay vào tháng 4/2023, một lô hàng ớt Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, cũng bị thu hồi do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 10 lần tiêu chuẩn.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,1 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản Việt hiện nay được xuất khẩu sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hình ảnh nông sản Việt cũng được khẳng định khi đặt chân được vào những thị trường khó tính nhất thế giới như: Nhật Bản, EU, Mỹ,…
Song, trước những biến động thị trường và biến chuyển xu hướng tiêu dùng, các thị trường không chỉ nâng chuẩn chất lượng mà đặt ra nhiều “rào cản” kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu.
Đơn cử, thị trường Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch nông sản, áp dụng lệnh 248, 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm. Hay như thị trường EU đưa ra quy định về chống khai thác hải sản IUU; ban hành Dự luật EUDR, cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng hoặc suy thoái rừng, áp dụng từ tháng 12/2024.
Vi phạm có thể bị “cấm cửa”
Theo lãnh đạo ngành Bảo vệ thực vật, mỗi một mặt hàng nông sản chúng ta mất 5-10 năm chuẩn bị hồ sơ và đàm phán mới có thể mở cửa thành công thị trường xuất khẩu. Nhưng khi nông sản Việt bị phát hiện vi phạm các quy định của các nước nhập khẩu, hàng sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy.
Tình trạng vi phạm tái diễn kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, có thể đánh mất thị trường mà chúng ta đã mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.
Ví như mặt hàng ớt tươi sau khi bị phát hiện có nhiều vi phạm, Trung Quốc đã dừng nhập một thời gian dài. Năm 2020, thị trường này cũng tạm dừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và các cơ sở đóng gói của nước ta do vi phạm quy định.
Để giữ được thị trường, theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quốc gia nhập khẩu. Còn nếu vẫn làm theo kiểu “ăn xổi”, nông sản Việt dễ bị cấm cửa.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, các thị trường ngày càng tăng cường các quy định về kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm.
Theo đó, có những quy định rất mới từ các thị trường như: Trung Quốc áp quy định nhập khẩu tôm hùm bông gắn với bảo vệ động vật hoang dã; châu Âu đã chính thức có quy định các vật tư nông nghiệp không có chứng nhận giảm phát thải sẽ không vào được thị trường này; vấn đề dinh dưỡng, trách nhiệm xã hội trong từng sản phẩm cũng được quy định,…
Thứ trưởng đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y tham mưu cho Bộ NN-PTNT cùng các bộ ngành chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các quy định này như thế nào. Khi đàm phán mở cửa thị trường cho bất cứ sản phẩm nào cũng cần có cái nhìn tổng thể.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Văn phòng SPS Việt Nam chủ trì giao ban 3 tháng 1 lần giữa các cục, vụ của Bộ để đánh giá các tác động của những quy định mới, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ, thích ứng. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thực hiện nghiêm các quy định của quốc gia nhập khẩu.