Các nước đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch

Trước những tác động không tích cực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế, các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp, gói kích thích kinh tế.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vientian, Lào, ngày 23/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vientian, Lào, ngày 23/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước những tác động không tích cực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế, các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp, gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Lào đưa ra một loạt biện pháp cấp bách đối phó tác động của dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, trước những tác động nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, Chính phủ Lào ngày 2/4 đã ban hành một loạt biện pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Quyết định số 31/PM nêu rõ Chính phủ Lào cho phép gia hạn thanh toán phí cầu đường năm 2020 đến ngày 30/6; gia hạn việc gửi báo cáo tài chính và các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2019 đến ngày 30/4; miễn nộp thuế thu nhập cho người có thu nhập thấp hơn 5 triệu kip Lào (khoảng 556 USD) từ tháng 4 đến tháng 6; miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp nhỏ với doanh thu từ 50-400 triệu kip Lào (tương đương 5.556-44.477 USD) từ tháng 4 đến tháng 6; cho phép Ngân hàng Trung ương Lào ra các chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại hoãn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất và phí, cung cấp tiền vay các khoản mới cho khách hàng hoặc lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng một cách hợp lý; miễn nộp thuế, phí các loại hàng hóa liên quan đến công việc kiểm soát, phòng COVID-19.

Quyết định cũng yêu cầu giảm giá các loại nhiên liệu theo từng giai đoạn dựa theo giá nhiên liệu thế giới; yêu cầu theo dõi, kiểm tra, quản lý giá hàng hóa tại các tỉnh/thành trên cả nước; quản lý chặt tỷ giá hối đoái; quy định giá từng loại khẩu trang; hướng dẫn các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu giảm giá điện, nước, mạng Internet… nhằm giúp khối kinh doanh cũng như các hộ cá thể giảm chi phí.

Các ban ngành liên quan chịu trách nhiệm nghiên cứu các điều khoản về bảo hiểm đối với người lao động bị ngừng làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng do COVID-19 theo thực tế và hoãn việc thanh toán phí bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chính phủ Lào cũng quyết định sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm 2020; đẩy nhanh việc thu thuế đối với các lĩnh vực thế mạnh; tăng cường quản lý lạm phát; quản lý chi tiêu ngân sách chặt chẽ trên tinh thần tiết kiệm; đẩy nhanh việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời kêu gọi người dân tăng cường sử dụng hàng hóa tiêu dùng nội địa để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước và hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài như thời gian qua.

Thái Lan xem xét khả năng ban hành gói kích thích kinh tế thứ ba

Chính phủ Thái Lan đang xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế thứ ba, theo đó có khả năng sẽ bơm thêm 500 tỷ THB (15,15 tỷ USD) vào nền kinh tế nước này.

Gói hỗ trợ trên có thể được đưa ra sau khi Thái Lan đã triển khai hai đợt bơm tiền vào nền kinh tế có tổng giá trị hơn 517 tỷ THB (15,6 tỷ USD) trong tháng Ba.

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết: "Bộ Tài chính đã chuẩn bị hơn một tháng nay cho các biện pháp hỗ trợ tiếp theo và một khi gói kích thích kinh tế mới được đưa ra, chúng tôi sẵn sàng đề xuất thông qua dự luật cho vay khẩn cấp."

Trong khi đó, sau cuộc họp nội các ngày 31/3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết dự luật cho vay khẩn cấp hiện nay đang được chính phủ xem xét, nhưng cần phải làm rõ nguồn tiền được lấy từ đâu và làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhất số tiền này.

Bộ trưởng Tài chính Uttama Savanayana khẳng định Thái Lan chưa có kế hoạch đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay để triển khai gói kích thích kinh tế thứ ba và đang có phương án khác để cấp ngân sách cho gói kích thích này.

Ông Uttama đã đề cập đến kế hoạch đề nghị các cơ quan chính phủ dành lại 10% ngân sách tài khóa 2020 để hỗ trợ nguồn vốn cho gói kích thích thứ ba. Nếu mỗi cơ quan chính phủ đóng góp 10% ngân sách tài khóa của mình thì nước này có thể tập hợp được 320 tỷ THB (gần 10 tỷ USD), gần đủ cho gói kích thích mới.

Tỷ lệ nợ công so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan hiện ở mức 41,27% trong tháng 1/2020, vẫn tương đối thấp so với trần nợ 60% được chính phủ nước này đặt ra trong khung bền vững tài khóa.

Nhân viên Hãng sản xuất công nghiệp thiết bị phòng hộ PPE chế tạo thiết bị phòng dịch COVID-19 để cung cấp cho các bệnh viện và cơ sở y tế, tại một khu xưởng của hải quân ở Brooklyn, New York (Mỹ) ngày 26/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên Hãng sản xuất công nghiệp thiết bị phòng hộ PPE chế tạo thiết bị phòng dịch COVID-19 để cung cấp cho các bệnh viện và cơ sở y tế, tại một khu xưởng của hải quân ở Brooklyn, New York (Mỹ) ngày 26/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ sẽ bắt đầu giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ vào ngày 3/4

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 2/4 đã cam kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ rằng hỗ trợ tài chính từ gói kích thích trị giá 2.200 tỷ USD nhằm xoa dịu tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ bắt đầu được giải ngân vào ngày 3/4 (theo giờ Mỹ).

Tuy nhiên, ông Mnuchin cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhận được các khoản cho vay hỗ trợ trong ngày 3/4. Các doanh nghiệp có từ 500 nhân viên trở xuống sẽ có thể được tiếp cận với 350 tỷ USD trong gói thích thích khổng lồ đã được Quốc hội thông qua.

Ông Mnuchin cho hay ông đã trao đổi với lãnh đạo các ngân hàng lớn của Mỹ về kế hoạch nói trên. Ông cũng cam kết các khoản hỗ trợ cho các hộ gia đình sẽ bắt đầu được chuyển khoản trong hai tuần, so với ba tuần như dự kiến trước đó. Một gia đình có bốn thành viên sẽ nhận được 3.000 USD trong gói kích thích của chính phủ.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 2/4, nhiều ngân hàng cho biết họ vẫn chưa có đủ thông tin để triển khai kế hoạch nói trên, và vẫn đang chờ hướng dẫn từ chính phủ.

Trước khi dịch COVID-19 lan đến nước Mỹ và khiến hoạt động ở hầu hết các ngành phải đóng băng, đặc biệt trong các dịch vụ như nhà hàng, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,5% trong tháng Hai, mức thấp nhất trong 50 năm.

Nhưng chỉ sau đó hai tuần, gần 10 triệu người đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo số liệu được công bố ngày 2/4.

Nhật Bản: Liên minh cầm quyền thông qua gói biện pháp về thuế để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản vừa đạt được đồng thuận về gói biện pháp hỗ trợ về thuế nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.

Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 2/4 giữa nhóm công tác về vấn đề thuế của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và Đảng Công minh. Gói biện pháp hỗ trợ này bao gồm việc nới lỏng các tiêu chí giảm thuế đối với những người vay tiền mua nhà và kéo dài thời gian thực hiện chương trình giảm thuế khi mua ô tô tiết kiệm nhiên liệu.

Cụ thể, theo quy định trong chương trình giảm thuế đối với những người vay tiền mua nhà, người vay sẽ được khấu trừ thuế thu nhập đối với một tỷ lệ nhất định trong tổng số nợ chưa thanh toán vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, những người vay tiền phải chuyển tới nhà mới trước ngày 31/12/2020. Giờ đây, liên minh cầm quyền quyết định gia hạn thời hạn này thêm 1 năm.

Đối với chương trình giảm thuế khi mua ôtô tiết kiệm nhiên liệu, theo dự kiến, chương trình này sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2020. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền đã nhất trí gia hạn chương trình tới cuối tháng 3/2021.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu giảm từ 50% trở lên so với cùng kỳ năm ngoái sẽ được miễn thuế tài sản cố định. Mức thuế này sẽ giảm một nửa đối với các doanh nghiệp có doanh thu giảm từ 30% đến 50%.

Trong một diễn biến khác, chính phủ Nhật Bản ngày 3/4 đã quyết định trợ cấp 200.000 yen (khoảng 1.850 USD) tiền mặt cho mỗi hộ gia đình, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực tới thu nhập của nhiều hộ.

Theo hãng tin Kyodo, khoảng 10 triệu hộ gia đình ở Nhật Bản sẽ đủ tiêu chuẩn để nhận khoản trợ cấp đặc biệt này. Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 để tài trợ cho chương trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-dua-ra-hang-loat-bien-phap-ho-tro-kinh-te-trong-dai-dich/632234.vnp