Các nước giải thích hàng hóa thiết yếu như thế nào?
Rất khó khăn để tìm một quy định phòng dịch có định nghĩa hoặc liệt kê rõ ràng đâu là các 'hàng hóa thiết yếu'.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19, hầu hết các nước đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế tiếp xúc, trong đó có việc giới hạn số trường hợp được phép ra khỏi nhà. Tại nhiều nước, một trong những trường hợp người dân được phép ra khỏi nhà là để mua “hàng hóa thiết yếu”.
Một cách tổng quát, hàng hóa thiết yếu là thực phẩm cùng các vật phẩm khác mà cộng đồng cần để tồn tại như vật tư y tế, xăng dầu…, theo Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO).
Theo tờ Bloomberg Quint, chính quyền Ấn Độ đã liệt kê những hàng hóa được phép mua bán trong thời gian phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3-2020. Danh mục này bao gồm rau củ quả; gạo, lương thực và các loại hạt; các loại gia vị; bánh mì, sữa và sản phẩm từ sữa; trà và cà phê; trứng, thịt, cá; ngũ cốc, dầu và hương liệu; thực phẩm đóng gói/hộp và đồ uống; thực phẩm chức năng; thực phẩm cho trẻ em; thức ăn cho vật nuôi, gia súc; nhiên liệu.
Sau đó, danh sách này được bổ sung băng vệ sinh, tã, xà phòng và chất giặt tẩy, chất khử trùng và chất tẩy rửa, dầu gội và sữa tắm, giấy lụa, sản phẩm chăm sóc răng miệng, pin và bộ sạc.
Ngoài ra, Ấn Độ vẫn cho phép dịch vụ giao đồ ăn và duy trì các sàn thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng, cũng như cho phép giao dịch các nguyên liệu thô, trung gian, vật liệu đóng gói cần thiết liên quan tới danh mục kể trên.
Theo công ty tư vấn luật Indonesia SSEK, cụm từ “hàng hóa thiết yếu” được tạo điều kiện lưu thông trong vùng dịch tại nước này có thể bao gồm các sản phẩm phục vụ nhu cầu y tế, sức khỏe và vệ sinh, các hàng hóa cơ bản, thực phẩm và đồ uống, nhiên liệu, nguyên liệu thô cho ngành sản xuất-chế tạo…
Còn theo Hiệp hội Thiết bị y tế Malaysia (MMDA - một nghiệp đoàn được Bộ Y tế nước này công nhận), hàng hóa thiết yếu gồm 8 nhóm là thực phẩm, sản phẩm nông-ngư nghiệp, đồ dùng gia dụng, thiết bị bảo hộ cá nhân, dược phẩm, vật liệu đóng gói và in ấn, thiết bị y tế và phẫu thuật, các linh kiện vật tư y tế.
Trong đó, các loại thực phẩm được MMDA nhắc tới là gạo, đường, dầu ăn, bột và ngũ cốc, bánh mì, nước uống, sữa và sản phẩm từ sữa, gia vị, thực phẩm khô (như mì gói), cà phê và trà, đồ ăn đóng hộp, thịt, sản phẩm từ rau củ quả và thức ăn cho động vật. Các sản phẩm nông-ngư nghiệp bao gồm cá và hải sản, trái cây, rau củ. Đồ dùng gia dụng có chất tẩy rửa, chất giặt tẩy, chất khử trùng, giấy vệ sinh và sản phẩm vệ sinh cá nhân.
Khái niệm "thiết yếu" liên quan tới một số yếu tố đặc thù
Tại bang Queensland (Úc), không có một danh sách độc lập các hàng hóa thiết yếu. Song Sở Dịch vụ cộng đồng, người khuyết tật và người cao tuổi Queensland đã liệt kê “mặt hàng thiết yếu” cho người phải cách ly tại nhà.
Theo danh sách này, các nhóm “thiết yếu” này gồm thực phẩm và đồ uống, đồ dùng phòng tắm và sản phẩm vệ sinh cá nhân, đồ gia dụng và chất giặt-tẩy-rửa, vật phẩm y tế. Vì danh mục “thiết yếu” này dành cho người tự cách ly tại nhà nên giới chức Queensland khuyến cáo người dân ưu tiên chọn thực phẩm giữ được lâu (đông lạnh, đóng hộp hoặc các loại rau củ có thể giữ được lâu) và chuẩn bị các phương tiên liên lạc và giải trí.
Còn trong hoạt động thương mại quốc tế, các nước Đông Nam Á đã liệt kê các sản phẩm y tế là “hàng hóa thiết yếu” cần được tạo điều kiện đảm bảo chuỗi cung ứng nội khối trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Từ tháng 11-2020, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua biên bản ghi nhớ về việc thực hiện các biện pháp không đánh thuế đối với hàng hóa thiết yếu với một trong các mục đích là kết nỗi chuỗi cung ứng để chống COVID-19.
Phụ lục của biên bản ghi nhớ đã liệt kê 152 hàng hóa thiết yếu, hầu hết liên quan tới hoạt động y tế. Các nhóm hàng là oxy và bình nhôm để chứa oxy; nước oxy già, một số loại thuốc, kháng sinh, huyết thanh, vaccine và sản phẩm miễn dịch…; bông-băng-gạc, găng tay, hàng may mặc có công dụng bảo hộ và khẩu trang, mũ, kính bảo hộ; các loại vật tư nuôi cấy-xét nghiệm vi sinh vật; thiết bị trong phòng bệnh; sản phẩm hóa dược, xà phòng, chất giặt-tẩy-rửa, chất khử trùng…
Trước đó, Singapore và New Zealand đã ký tuyên bố chung về “thương mại hàng hóa thiết yếu để chống đại dịch COVID-19” vào ngày 15-4-2020. Danh mục đính kèm tuyên bố này được chia thành hai phần. Phụ lục I tương tự danh mục 152 hàng hóa thiết yếu của ASEAN và còn nhắc tới sản phẩm sữa và bột cho trẻ em. Phụ lục II là các loại thực phẩm gồm thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc và bột, các loại nấm, rau, củ, quả, hạt, dầu… và một số loại thực phẩm chế biến.
Phạt vì mua bán hàng hóa không thiết yếu
Hồi tháng 11-2020, giới chức thị trấn Middlesbrough (Anh) đã phạt bốn cửa hàng điện thoại vì phạm quy định phòng dịch, theo kênh iTV (Anh). Bà Judith Hedgley, một thành viên hội đồng thị trấn, cho biết nhiều cửa hàng không thiết yếu đã lách luật bằng cách mở bán thêm một số mặt hàng thiết yếu để đón khách hàng tại quán để bán các sản phẩm chính của cửa hàng - hàng hóa vốn phải ngừng bán do không thuộc danh mục thiết yếu.
Còn tại thị trấn Llanybydder (xứ Wales), một người ông bố đã bị phạt vì ra ngoài mua hàng hóa không thiết yếu. Thanh niên 24 tuổi này bị cảnh sát yêu cầu dừng xe và phạt tổng cộng 811 bảng (gần 26 triệu đồng) sau khi bị phát hiện ra ngoài chỉ để mua một nhà hơi, theo tờ Metro.