Các nước háo hức chuẩn bị đón năm mới 2025

Khi đồng hồ dần điểm ngược về những thời khắc đầu tiên của năm 2025, các quốc gia từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ đều háo hức chuẩn bị đón năm mới theo nhiều nghi thức khác nhau.

Lễ hội đón giao thừa tại Quảng trường Thời đại, New York (Mỹ), luôn là một trong những sự kiện được mong chờ nhất thế giới. Điểm nhấn của sự kiện bao giờ cũng là màn thả quả cầu pha lê khổng lồ từ đỉnh tòa nhà One World Trade xuống mặt đất khi kim đồng hồ vừa điểm đúng 0 giờ ngày 1/1 của năm mới.

Để chuẩn bị cho khoảnh khắc chuyển giao lịch sử sang năm 2025, ban tổ chức đã kiểm tra kỹ lưỡng mọi công đoạn trong hệ thống thả quả cầu khổng lồ, được lắp ghép bởi 2.688 hình tam giác pha lê lấp lánh. Buổi tổng duyệt đón giao thừa ở New York, diễn ra vào sáng 31/12 giờ Mỹ, thu hút hàng nghìn người theo dõi tại Quảng trường Thời đại.

Truyền thống thả quả cầu mừng năm mới tại New York đã trở thành biểu tượng của năm mới, gắn liền với những khoảnh khắc đáng nhớ của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, trừ 2 năm Thế chiến II khi thành phố chìm trong bóng tối.

Buổi tổng duyệt đón giao thừa ở New York (Mỹ) sáng 31/12. Video: Newsweek

Ở Đức, có một truyền thống kỳ lạ diễn ra mỗi dịp trước giao thừa tại thành phố Mainz: Các nhân viên cứu hỏa của thành phố thường dành cả buổi sáng để ngâm mình giữa dòng sông Rhine lạnh giá.

Tay cầm chai Coca-Cola, bên cạnh là những chiếc phao nhựa nhiều màu sắc, họ tạo nên một hình ảnh vừa hài hước vừa ấn tượng. Điều gì đã khiến họ thực hiện hành động này? Câu trả lời nằm ở tinh thần đồng đội mạnh mẽ và sự yêu đời tràn đầy từ những "người hùng" của thành phố.

Những người lính cứu hỏa tại Mainz (Đức) đón giao thừa bằng cách ngâm mình giữa sông Rhine. Ảnh: Helmut Fricke/dpa

Những người lính cứu hỏa tại Mainz (Đức) đón giao thừa bằng cách ngâm mình giữa sông Rhine. Ảnh: Helmut Fricke/dpa

Không khí đón Tết Dương lịch cũng đang rộn ràng ở nhiều nước châu Á. Tại Nhật Bản, nhiều ngôi đền cổ kính được trang hoàng lộng lẫy, nhà nhà đều tất bật dọn dẹp để đón một năm mới an lành. Hình ảnh những chú rắn bằng sứ với nụ cười tươi tắn được bày bán khắp nơi, như một lời chúc phúc may mắn cho năm con rắn theo quan niệm của người Á Đông.

Một số địa điểm lịch sử tại Trung Quốc cũng chuẩn bị những nghi thức đón năm mới 2025 theo cách bắt mắt nhất có thể. Chùa Hàn Sơn ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đã được chiếu lung linh vào tối 31/12 và sẵn sàng rung chuông báo hiệu năm mới 2025.

Chùa Hàn Sơn ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thắp sáng rực rỡ, chuẩn bị đón năm mới 2025. Video: People's Daily

Tuy nhiên, không phải nơi nào trên thế giới cũng có thể đón năm mới 2025 một cách trọn vẹn. Do thời tiết xấu bao trùm khắp Vương quốc Anh, hai màn pháo hoa rực rỡ dự kiến diễn ra tại Quayside, thành phố Newcastle đã phải hủy bỏ vào phút chót.

Các màn trình diễn đã được lên lịch vào lúc 6h tối và nửa đêm 31/12, hứa hẹn mang đến một đêm giao thừa đáng nhớ cho người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, vì lo ngại về an toàn cho cả khán giả và đội ngũ tổ chức, Hội đồng thành phố Newcastle đã đưa ra quyết định khó khăn này.

"Quayside luôn là điểm đến lý tưởng để chào đón năm mới. Chúng tôi hiểu rằng việc hủy bỏ sự kiện này sẽ khiến nhiều người thất vọng, nhưng an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu,” đại diện Hội đồng thành phố chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, màn bắn pháo hoa tại Quayside phải tạm dừng.

Thành phố Newcastle (Anh) bắn pháo hoa mừng năm mới năm 2020. Ảnh: PA

Thành phố Newcastle (Anh) bắn pháo hoa mừng năm mới năm 2020. Ảnh: PA

Không chỉ riêng Newcastle, nhiều sự kiện đón năm mới khác trên khắp nước Anh cũng chịu chung số phận. Cuộc đua thuyền tự chế truyền thống tại Poole, Dorset, và Lễ hội Sandown Carnival trên Đảo Wight đều phải hoãn bắn pháo hoa. Thậm chí, buổi nhảy xuống biển Lyme Lunge nổi tiếng tại Lyme Regis còn bị hủy bỏ do dự báo gió giật lên đến 50-60 dặm/giờ.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-nuoc-hao-huc-chuan-bi-don-nam-moi-2025.html