Về Phước Long 'xây chiến thắng'

Ngày 6-1-2025 tròn 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975). Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Trong cuộc trường chinh 21 năm đánh Mỹ của cách mạng Việt Nam, có rất nhiều địa danh đã mãi mãi đi vào lịch sử và ký ức của bao thế hệ, gắn liền với những chiến công hiển hách của ông cha. Và, Phước Long của tỉnh Bình Phước là một trong những cái tên không thể nào quên. 50 năm đã đi qua nhưng âm hưởng lời ca 'về Phước Long xây chiến thắng' (Mỗi bước ta đi, sáng tác Thuận Yến) vẫn còn vang mãi, vang xa.

NHỚ NGÀY LỊCH SỬ

Trước khi miền Nam được giải phóng, Phước Long là một trong 11 tỉnh bao quanh biệt khu thủ đô Sài Gòn - Gia Định của chế độ cũ. Tỉnh Phước Long gồm các chi khu quân sự Đôn Luân (Đồng Xoài), Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Bình Long và căn cứ Bà Rá nằm trong tuyến phòng thủ từ xa của quân ngụy để bảo vệ Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Phước Long là điểm án ngữ, ngăn chặn hành lang vận tải của Quân đội nhân dân Việt Nam sang Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ, đồng thời giữ vị trí chia cắt thế liên hoàn của các vùng do quân ta chiếm lĩnh, cô lập Lộc Ninh với các vùng Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác. Đây là nơi có vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của quân ngụy ở vùng Đông Nam Bộ. Đường 14 - Phước Long nằm về hướng Đông Bắc Sài Gòn, được chính quyền ngụy xem là tuyến huyết mạch để bảo vệ Sài Gòn. Vì vậy, chúng đã tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ bao gồm nhiều căn cứ chi khu, yếu khu và tiểu khu quân sự.

Trung tâm hành chính thị xã Phước Long ngày nay

Trung tâm hành chính thị xã Phước Long ngày nay

Tháng 10-1974, Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam tổ chức hội nghị và đề ra kế hoạch mở rộng hoàn chỉnh khu căn cứ cách mạng, nối hành lang vận chuyển từ biên giới xuống bờ biển phía Đông, xây dựng các căn cứ địa vững chắc tạo thế liên hoàn bao vây Sài Gòn. Hướng tiến công chủ yếu của quân ta được xác định là Đường 14 - Phước Long và khi có điều kiện thì giải phóng tỉnh Phước Long. Công tác chuẩn bị mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long được giao cho tỉnh Bình Phước. Tham gia chiến dịch gồm các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4, Sư đoàn 3 phối hợp với các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước. Trận đánh Phước Long bắt đầu từ đêm 13-12-1974 đến sáng 6-1-1975 thì kết thúc thắng lợi hoàn toàn, chính quyền địch tan rã, quân ngụy rút chạy, Phước Long trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng(1).

Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa lịch sử đặc biệt; là “đòn trinh sát chiến lược” của quân và dân ta. Chính từ chiến thắng này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương có cơ sở đánh giá đúng tình hình và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam khẳng định: “Quân và dân Phước Long đã làm nên một kỳ tích chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ. Không có chiến thắng Phước Long thì chưa có Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30-4-1975”.

Sau 13 ngày giải phóng Phước Long, trong số ra ngày 19-1-1975, Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đăng bài “Phước Long những ngày giải phóng đầu tiên” của nhà báo Phong Nguyễn(2) ghi lại không khí của bộ đội và người dân trên vùng đất vừa được giải phóng. Bài báo có đoạn viết: Ở hồ Long Thủy, thuộc trung tâm thị xã Phước Long, chính quyền cách mạng đã từng bước đưa dân sơ tán trở về nhà cũ. Đây là chủ trương rất đúng lúc và cần thiết, giải tỏa được băn khoăn của nhiều người: Cách mạng có “ấp chiến lược” không? Và những người trở về đều nhất trí với nhận xét “nhà nào có bộ đội ở, nhà đó còn nguyên vẹn”. Những người dân cao tuổi ở Phước Long vẫn còn nhớ cảnh tan hoang của thị xã khi mới được giải phóng do bom đạn của cả hai bên cày xới, tàn phá và vũ khí, quân tư trang của quân đội chế độ cũ nằm rải rác khắp nơi.

Ngày giải phóng Phước Long, tôi vừa mới nhập ngũ. Hơn 5 năm sau, ngày 10-10-1980, trung đoàn chúng tôi thực hiện xong nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia được lệnh về nước và đóng quân trên địa bàn huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé. Lúc này vết thương chiến tranh ở đây vẫn chưa lành, nhiều nơi còn ngổn ngang gạch đá vì bom đạn tàn phá. Người dân từ các nơi đã lần lượt trở về để xây dựng lại quê hương. Thế nhưng, ký ức chiến tranh vẫn còn đọng lại nơi nghĩa trang liệt sĩ. Ở nghĩa trang Phước Long có 13 hàng mộ, mỗi hàng hơn 20 mộ thì có khoảng 40 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh từ giữa tháng 12-1974, khi bắt đầu Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đến ngày giải phóng và tập trung ở 2 hàng cuối từ dưới lên. Đa số liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long quê ở các tỉnh phía Bắc. Nhiều người hy sinh khi độ tuổi đôi mươi và không ít người đã hy sinh trên đường tiến công, trước khi bộ đội ta cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh tỉnh trưởng Phước Long vào sáng 6-1-1975.

PHƯỚC LONG ĐỔI MỚI

Nửa thế kỷ đã đi qua, âm hưởng của chiến thắng Phước Long vẫn còn vang mãi. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước nói chung, thị xã Phước Long nói riêng mãi tự hào và đang tiếp nối truyền thống vinh quang ấy trên con đường hội nhập, phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Tháng 8-2009, huyện Phước Long chia tách thành thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập. Vết thương chiến tranh trên mảnh đất Phước Long gần như đã lành hẳn. Những bãi mìn, dây thép gai, trận địa pháo... ngày xưa và những con đường lầy lội, hố sâu do bom cày, đạn xới thuở nào đã nhường chỗ cho những tuyến đường trải nhựa và dãy nhà mới san sát mọc lên. Ngày nay vẫn còn đó những chứng tích chiến tranh không thể mờ phai. Đó là cây khế trăm tuổi, vườn cây của nữ tướng Nguyễn Thị Định... và đặc biệt là ngọn núi Bà Rá lịch sử, sừng sững với thời gian. Vẫn còn đó trên thân cây rừng già Bà Rá những vết đạn loang lổ của cuộc chiến năm xưa, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn khắc ghi, nhớ ơn những người đã ngã xuống.

Quân giải phóng cắm cờ tại dinh tỉnh trưởng Phước Long sáng 6-1-1975 - Ảnh tư liệu

Quân giải phóng cắm cờ tại dinh tỉnh trưởng Phước Long sáng 6-1-1975 - Ảnh tư liệu

Dấu ấn đậm nét của thị xã Phước Long là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống giao thông hình thành rộng khắp; nhiều công trình cảnh quan đô thị được xây dựng đã tạo nên một Phước Long đổi mới, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những công trình thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục được đầu tư xây dựng ngày một nhiều hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu người dân. Những năm gần đây, thị xã Phước Long đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó, tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, hiện đại, là bước đệm quan trọng hướng tới xây dựng đô thị loại III.

Những ngày này, đi trên các trục đường nội ô của thị xã Phước Long ai cũng cảm nhận được sự tươi mới của một đô thị trẻ. Đường phố sạch sẽ, vỉa hè thoáng rộng, tỏa bóng mát những hàng cây xanh. Niềm vui hiển hiện trên gương mặt những người dân Phước Long không chỉ bởi xuân mới Ất Tỵ đang đến mà còn là không khí của Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 30 được tổ chức vào ngày 6-1-2025 với tầm cỡ giải quốc tế chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương.

“Vượt qua sông Bé oai hùng, về Phước Long xây chiến thắng”, bài ca năm xưa vẫn mãi ngân vang và đã trở thành hiện thực trên mảnh đất Phước Long anh hùng.

(1) Lịch sử Đảng bộ quân và dân Phước Long, tập I (1930-1975)
(2) Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra số đầu ngày 20-12-1964 và ra số cuối cùng ngày 16-1-1977.

Tiến Bình

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/167435/ve-phuoc-long-xay-chien-thang