Các nước kêu gọi Ấn Độ và Pakistan tránh 'chiến tranh toàn diện'

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đột ngột bùng phát sau các cuộc đấu pháo dữ dội dọc Đường kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir, hàng loạt quốc gia Trung Đông và châu Phi ngày 7/5 đã đồng loạt bày tỏ lo ngại sâu sắc và kêu gọi hai quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân nhanh chóng kiềm chế, ưu tiên đối thoại để tránh đẩy khu vực vào vòng xoáy bạo lực mới.

Tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ tại Muzaffarbad thuộc khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ tại Muzaffarbad thuộc khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của nước này là tránh sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Ông Baghaei kêu gọi New Delhi và Islamabad theo đuổi mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng thông qua tự kiềm chế và lưu ý về nguy cơ có thể bị lợi dụng làm trầm trọng thêm khủng hoảng.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng phát đi tuyên bố đề nghị Ấn Độ và Pakistan “kiềm chế tối đa”, sử dụng các kênh ngoại giao để xoa dịu tình hình. Cairo cảnh báo những diễn biến hiện tại không chỉ đe dọa hòa bình khu vực mà còn có thể gây bất ổn lan rộng, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu theo đuổi các giải pháp hòa bình “phản ánh nguyện vọng của cả hai dân tộc về hòa bình và ổn định”.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia theo sát các diễn biến khu vực Nam Á - cảnh báo rằng những hành động quá đà có thể dẫn đến “nguy cơ chiến tranh toàn diện”. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, trong đó ông bày tỏ sự sẵn sàng “làm hết sức mình để ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa”.

Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Kuwait cũng không giấu được lo ngại. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed kêu gọi hai bên tránh làm tình hình thêm căng thẳng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói đối thoại, vì ổn định ở Nam Á sẽ hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông. Trong khi đó, Kuwait khuyến nghị hai nước láng giềng tìm kiếm giải pháp qua kênh ngoại giao, còn Oman hối thúc New Delhi và Islamabad “kiềm chế các hành động leo thang nghiêm trọng”.

Bộ Ngoại giao Algeria cũng "lấy làm tiếc và quan ngại sâu sắc” về các cuộc đụng độ đẫm máu giữa Pakistan và Ấn Độ, nhấn mạnh tình hình hiện tại “đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh toàn khu vực”. Ngoại trưởng Algeria, ông Ahmed Attaf, đã điện đàm với cả người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan để kêu gọi hai bên có các "hành động có trách nhiệm nhằm khôi phục đối thoại”.

Các nước Trung Đông và châu Phi đưa ra những kêu gọi trên sau khi lực lượng vũ trang Ấn Độ và Pakistan đấu pháo hạng nặng dọc LoC khiến ít nhất 26 người - bao gồm cả phụ nữ và trẻ em - thiệt mạng và 46 người khác bị thương, theo tuyên bố từ phía quân đội Pakistan.

Đây được xem là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong 20 năm qua, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể.

Nguyên nhân trực tiếp của căng thẳng bắt nguồn từ một vụ tấn công khủng bố xảy ra cuối tháng 4 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 26 người thiệt mạng. New Delhi quy trách nhiệm cho các nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan. Tuy nhiên, Islamabad bác bỏ cáo buộc, cho rằng Ấn Độ đang sử dụng vụ việc như cái cớ để biện minh cho hành động quân sự.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng leo thang sau các cuộc tấn công của Ấn Độ vào Pakistan trong Chiến dịch Sindoor, chính quyền bang Jammu & Kashmir (J&K) đã có động thái mới nhằm tăng cường kiểm soát tình hình.

Chiều 7/5, một Phòng điều khiển đã được chính thức thành lập tại thủ phủ mùa hè Srinagar. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, Phó Ủy viên quận Srinagar Bilal Mohiud Din Bhat đã ban hành lệnh thành lập Phòng điều khiển chung tại Trung tâm điều hành khẩn cấp quận (DEOC).

Đơn vị này sẽ hoạt động liên tục 24/24 giờ với nhiều chức năng quan trọng, bao gồm điều phối các hoạt động liên phòng ban, theo dõi sát sao diễn biến tình hình và đảm bảo thông tin được phổ biến kịp thời.

Phòng điều khiển còn được thiết kế để hoạt động như một nền tảng tiếp nhận và xử lý khiếu nại từ người dân, cho phép các vấn đề phát sinh được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả theo thời gian thực.

Trước đó, nguồn tin chính phủ cho biết Ấn Độ đã phóng 24 tên lửa vào 9 địa điểm ở Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát để trả đũa vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam, khiến 70 tay súng thiệt mạng.

Nguồn tin này khẳng định Chiến dịch Sindoor không chỉ là một phản ứng quân sự. Nguồn tin phát biểu: "Đây là tuyên bố về quyết tâm chiến lược. Thông qua 24 cuộc tấn công tên lửa phối hợp chính xác nhắm vào 9 địa điểm liên quan đến khủng bố, Ấn Độ chứng tỏ sẽ không còn dung thứ cho khủng bố xuyên biên giới, cũng như sự đồng lõa của các cơ quan nhà nước tiếp tay cho nó".

Hơn 60 tay súng bị thương tại 9 địa điểm bị tấn công - MuzaffẢ-rậpad, Kotli, Bahawalpur, Rawalakot, Chakswari, Bhimber, Thung lũng Neelum, Jhelum và Chakwal. Các địa điểm này được xác định là trung tâm hoạt động khủng bố. Các tên lửa chính xác đã nhắm vào các trại của Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammad. Cuộc phản công đã làm suy yếu đáng kể khả năng hoạt động của các nhóm này.

Phía Pakistan thông báo ít nhất 9 thường dân thiệt mạng, 38 người bị thương và 2 người mất tích. Nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết thiệt hại không mong muốn đã được "giảm thiểu nhờ tấn công chính xác." Họ nhấn mạnh không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị tấn công. Tình báo Ấn Độ đã có bằng chứng rõ ràng về việc quân đội Pakistan hỗ trợ hậu cần cho "các nhóm khủng bố".

Theo TTXVN, Vietnam+

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/quoc-te/202505/cac-nuoc-keu-goi-an-do-va-pakistan-tranh-chien-tranh-toan-dien-d421ce5/