Các nước khối NATO khẳng định không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine
Ngày 27/2, Mỹ và các đồng minh chủ chốt tại châu Âu đã khẳng định không có kế hoạch đưa binh lính tới Ukraine.
Trong ngày thứ Ba, Mỹ và các đồng minh chủ chốt tại châu Âu đã khẳng định không có kế hoạch đưa binh lính tới Ukraine, sau khi Pháp đưa ra gợi ý về khả năng đưa ra quyết định này, và điện Kremlin đã cảnh báo những quyết định tương tự chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột giữa Nga và NATO.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày thứ Hai nói không thể loại trừ việc các thành viên NATO và các đồng minh khác đưa quân tới Ukraine vì các cường quốc phương Tây phải làm mọi cách để đảm bảo Nga không chiến thắng.
Bình luận này của ông được đưa ra trong một cuộc họp được tổ chức vội vã tại Paris giữa các lãnh đạo châu Âu nhằm tìm ra phương hướng đẩy mạnh hậu thuẫn cho Ukraine, trong khi lực lượng Nga tại miền Đông Ukraine tiếp tục đạt được nhiều thành quả trên chiến trường và Ukraine tiếp tục đối mặt với thiếu thốn nhân lực và đạn dược.
Tuy nhiên, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Czech đã khẳng định họ không gửi binh lính tới Ukraine trong cuộc chiến hiện đang bước vào năm thứ ba.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong thứ Ba đã phát biểu: “Sẽ không có một binh lính nào của các nước châu Âu hay nước thành viên NATO được đưa tới Ukraine”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng kiên quyết khẳng định tương tự.
Trong một chuyến viếng thăm tại Vienna, ông đã khẳng định: “Đức sẽ không cân nhắc lựa chọn điều động binh lính”.
Nhà Trắng sau đó đã một lần nữa khẳng định không có kế hoạch điều động binh lính, và thay vào đó sẽ hối thúc các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật viện trợ an ninh vốn đang bị trì hoãn với mục tiêu đảm bảo binh lính Ukraine có được vũ khí và đạn dược mà họ cần để tiếp tục chiến đấu.
Nhằm làm rõ tuyên bố của Tổng thống Macron, ngày 27/2, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne giải thích khi nêu quan điểm về việc điều quân tới Ukraine, ông Macron muốn đề cập tới binh sĩ thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt như rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí hoặc an ninh mạng.
Trước các nhà lập pháp của Pháp, ông Sejourne đã phát biểu: “(Kế hoạch này) có thể yêu cầu có sự hiện diện (quân sự) tại lãnh thổ Ukraine, mà không trực tiếp tham gia chiến đấu”.
Đức đã trở thành nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Kyiv kể từ khi Nga tổ chức chiến dịch đặc biệt vào tháng 2 năm 2022, nhưng nước này cũng đã vô cùng cẩn thận trước các quyết định có thể kéo liên minh NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Cảnh báo từ Nga
Điện Kremlin đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo về các rủi ro liên quan.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov khi bình luận về phát biểu của ông Macron đã cho biết: “Chỉ riêng việc thảo luận về khả năng đưa quân tới Ukraine từ các nước NATO cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng mới”.
Trả lời câu hỏi về rủi ro trong trường hợp các quốc gia thành viên NATO triển khai binh sĩ tại Ukraine, ông Peskov cho hay trong trường hợp này, sẽ không tránh khỏi xung đột trực diện.
Mỹ – siêu cường đằng sau khối NATO – và Nga là hai nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng cảnh báo về việc một cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga có thể châm ngòi cho Thế Chiến Thứ Ba.
Đặc biệt, khả năng quân đội Đức được triển khai tới lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ là cực kỳ nhạy cảm đối với Nga, quốc gia đã đánh bại cuộc xâm lược của Hitler trong Thế chiến thứ hai và chiến thắng đó được coi một phần không thể thiếu của bản sắc dân tộc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc đấu tranh chống lại "Đức Quốc xã" dù điều này bị Kiev và phương Tây bác bỏ.
Một quan chức cấp cao của Ukraine đã khen ngợi quyết định đề xuất về khả năng điều động binh lính phương Tây tới quốc gia này của ông Macron.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã bình luận: “Trên hết, phát biểu này cho thấy ông đã có nhận thức tuyệt đối rõ ràng về rủi ro mà châu Âu gặp phải khi đối mặt với Nga”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tăng cường vận động các chính phủ châu Âu để có thêm đạn pháo và vũ khí tầm xa.
Cộng hòa Séc trong tháng này đã công bố kế hoạch, với sự hỗ trợ của Canada, Đan Mạch và các nước khác, nhằm tài trợ cho việc mua nhanh hàng trăm nghìn viên đạn từ các nước thứ ba để gửi đến Ukraine.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)