Các nước Mỹ Latinh, Caribe có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ công
CEPAL dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ khoảng 10,7% trong năm 2020, cũng như tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng đáng kể.
Báo cáo mới của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) thuộc Liên hợp quốc cho biết Mỹ Latinh, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sẽ phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 120 năm qua, với tổng GDP dự báo giảm 7,7% trong năm nay.
Theo báo cáo của CEPAL, đại dịch COVID-19 đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với một số quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh vốn đã phải đối mặt với những thách thức liên quan đến vấn đề cơ cấu, chẳng hạn như tăng trưởng thấp, bất bình đẳng cao và không gian tài chính hạn chế.
CEPAL dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này sẽ khoảng 10,7% trong năm 2020, cũng như tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng đáng kể. Do vậy, nhu cầu chi tiêu ngân sách của một số quốc gia trong khu vực tăng mạnh, đồng nghĩa với việc các nước Mỹ Latinh và Caribe có thể sẽ rơi vào khủng hoảng nợ công vào năm 2021.
Trong khi đó, ông Sebastían Nieto Parra, Giám đốc Trung tâm Phát triển khu vực Mỹ Latinh và Caribe thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết một số quốc gia Mỹ Latinh sẽ lâm vào tình trạng "nợ nần chồng chất" vào thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Đối với vùng Caribe, đại dịch COVID-19, cùng với những tác động nặng nề liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, đã giáng cú sốc kép lên các hoạt động du lịch, vốn là nguồn thu quan trọng của các quốc đảo trong khu vực này.
Với các khoản nợ công lên tới gần 100% GDP và nguồn thu thuế tương đối thấp, các quốc gia Caribe sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục duy trì khả năng thanh toán trong dài hạn.
Còn tại các quốc gia ở Nam Mỹ như Argentina và Ecuador, vốn đã gặp vấn đề về khả năng thanh toán trước khi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng nợ công càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của bệnh dịch, mặc dù chính phủ các nước này vẫn có thể tiếp cận thị trường tài chính quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ông Nieto Parra nhấn mạnh để tránh rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, các quốc gia trong khu vực cần phải có một loạt giải pháp phối hợp hành động ở cấp độ quốc tế. Ví dụ như các chủ nợ công và tư, cũng như các ngân hàng đa phương, cần xúc tiến các cuộc đối thoại mang tính toàn diện để có thể đưa ra các phương án xóa nợ hoặc hỗ trợ các chương trình đối phó với khủng hoảng một cách kịp thời.
Ngoài ra, ông Nieto Parra cho rằng các nước này cần cải thiện một số khía cạnh trong hệ thống thuế, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống trốn thuế ở cấp quốc gia và quốc tế trong bối cảnh mức thu thuế ở Mỹ Latinh và Caribe là tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 18-23% GDP so với mức trung bình 34% của OECD.
Theo ông Nieto Parra, một vấn đề cố hữu khác tại Mỹ Latinh và Caribe là tình trạng tỷ lệ người lao động trong khu vực phi chính thức ở mức cao, khiến khoảng 55% tổng số người lao động không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ hệ thống bảo trợ xã hội.
Do vậy, các nước trong khu vực cần tăng cường điều tiết thị trường lao động, tiến hành nghiên cứu để đưa ra những chiến lược hợp lý giúp tạo ra thêm việc làm trong khu vực chính thức và nâng cao giá trị gia tăng, giúp chính phủ các nước có thêm nguồn thu./.