Các nước nghèo đối mặt với nguy hiểm khi G20 chậm xóa nợ

Thất bại trong việc đảm bảo tiến độ xóa nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà vận động và nhà đầu tư thất vọng. Theo hãng tin Reuters, cách đây 2 năm, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đại diện cho 85% kinh tế toàn cầu đã đưa ra cơ chế khuôn khổ chung... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thất bại trong việc đảm bảo tiến độ xóa nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà vận động và nhà đầu tư thất vọng.

 Nhân viên treo quốc kỳ Saudi Arabia trong quá trình chuẩn bị trước cuộc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại trung tâm hội nghị La Nuvola, ở Rome, ngày 30-10-2021. Ảnh: Reuters

Nhân viên treo quốc kỳ Saudi Arabia trong quá trình chuẩn bị trước cuộc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại trung tâm hội nghị La Nuvola, ở Rome, ngày 30-10-2021. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, cách đây 2 năm, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đại diện cho 85% kinh tế toàn cầu đã đưa ra cơ chế khuôn khổ chung nhằm triển khai một cuộc đại tu nợ nhanh chóng và toàn diện cho các quốc gia đang chịu gánh nặng nợ nần sau đại dịch COVID-19.

Khuôn khổ này nhằm mục đích giảm nợ thông qua việc gia hạn thời gian đáo hạn và giảm lãi suất cho các quốc gia đủ điều kiện để được hưởng chính sách trả nợ theo Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI). Tuy nhiên, trong 2 năm, tiến độ chậm chạp khiến thế giới lo ngại về kết quả thực sự của cơ chế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các chủ nợ không thống nhất trong việc thảo luận và có cam kết hành động chung, cũng như biến động chính trị trong một số quốc gia. WB cho biết chỉ riêng trong năm 2022, các quốc gia nghèo nhất đã phải đối mặt với khoản chi trả nợ trị giá 35 tỷ USD cho các chủ nợ song phương và tư nhân, trong đó hơn 40% là cho Trung Quốc, sau đợt “đóng băng” thanh toán nợ kết thúc năm 2021. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được WB công bố hồi đầu năm, tình trạng sụt giảm do đại dịch gây ra trong năm 2020 khiến khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn. Rủi ro vỡ nợ gia tăng, và việc các nền kinh tế phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có hiệu ứng lan rộng. “Thời gian không phải bạn. Lãi suất đang tăng lên, đồng USD cũng mạnh hơn và gánh nặng nợ nần cũng trở nên nặng nề hơn”, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo ở London (Anh) sau khi cuộc họp thường niên của IMF và WB kết thúc tại Washington (Mỹ) vào giữa tháng 10 qua.

Kế hoạch tái cấu trúc nợ có thể kéo dài, từ đó có thể cho các bên thêm thời gian để thống nhất về một quy trình chung song đó không phải là điều mà các nước nghèo mong đợi lúc này.

Đối với Zambia - đất nước châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong kỷ nguyên COVID vào năm 2020, hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là chịu trách nhiệm dẫn dắt các cuộc đàm phán về khoản nợ gần 6 tỷ USD với Trung Quốc. Trong khi đó, nội chiến cũng đã cản trợ quy trình tái cơ cấu nợ tại Ethiopia.

Ngày 19-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ hối thúc G20 giúp đỡ những nước đang phát triển giải quyết gánh nặng nợ nần. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ sẽ tiếp quản chức Chủ tịch G20 từ Indonesia từ ngày 1-12 tới./.

Theo Báo Tin Tức

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202210/cac-nuoc-ngheo-doi-mat-voi-nguy-hiem-khi-g20-cham-xoa-no-2553727/