Các nước tăng cường đối phó bệnh đậu mùa khỉ
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, các quốc gia đã tăng cường biện pháp đối phó với căn bệnh này.
Chính phủ Nhật Bản vừa ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh đậu mùa khỉ. Đây là cấp độ cảnh báo mức thấp nhất trong tháng 4 cấp của Nhật Bản về nguy cơ mắc bệnh bệnh truyền nhiễm.
Cho tới nay, Nhật Bản vẫn chưa ghi nhận ca mắc bệnh đầu mùa khỉ nào, tuy nhiên các quan chức chính phủ yêu cầu công dân Nhật Bản trên khắp thế giới thực hiện biện pháp tăng cường phòng ngừa để phòng tránh lây nhiễm; đồng thời khuyến cáo những người có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở ngoài Nhật Bản cần đặc biệt thận trọng.
Tại Thái Lan đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng 5/2022, mặc dù trường hợp đầu tiên chỉ được xác nhận vào tuần trước. Kể từ tháng 5/2022 các bệnh viện đã được yêu cầu sàng lọc những trường hợp có thể mắc bệnh này và ngay lập tức thực hiện xét nghiệm đối với những bệnh nhân nghi nhiễm.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan vừa triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về biện pháp ngăn chặn cũng như phương án điều trị.
Bộ Y tế Singapore vừa xác nhận thêm 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 8 ca. Hiện cả hai trường hợp đều trong tình trạng ổn định và không liên quan đến bất kỳ trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nào đã được Bộ Y tế công bố trước đó.
Mặc dù số người nhiễm đã tăng lên song Bộ Y tế Singapore thông báo không khuyến nghị tiêm chủng đại trà cho toàn dân chống bệnh đậu mùa khỉ ở thời điểm hiện tại, chính phủ nước này sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình.
Còn tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca nhiễm nào, song nguy cơ hoàn toàn có thể. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2,3,4 thì như thế nào. Khi có kịch bản thì việc xử lý sẽ nhanh và sẵn sàng ứng phó.
Về vấn đề xét nghiệm, theo Bộ Y tế, hiện nay chúng ta đang chờ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm từ Tổ chức Y tế Thế giới, tuy nhiên báo cáo từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, chúng ta có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn cấp.
Hàng tuần Cục Y tế Dự phòng sẽ làm đầu mối họp với các đơn vị để cập nhật tình hình thống nhất biện pháp triển khai trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cần có công điện gửi ngay cho các tỉnh thành phố, bộ ngành liên quan để cùng phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.
Về vấn đề phát hiện nhanh triệu chứng bệnh để có cách phòng ngừa tránh lây lan ra cộng động, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Phạm Quang Thái – Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: Triệu chứng rõ nhất của bệnh là sốt và phát ban. Dấu hiệu sốt có ở hầu hết các trường hợp kèm theo đau đầu dữ dội, nổi hạch, đau lưng-cơ, mệt mỏi, suy nhược. Có những thể nhẹ (một vài nốt) nhưng cũng có nhiều trường hợp khác nặng hơn, khi mụn mủ nhiều lên tới mức trên 250 nốt tổn thương, khi đó người bệnh phải điều trị tích cực trong bệnh viện.
Thanh Tâm
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-nuoc-tang-cuong-doi-pho-benh-dau-mua-khi-215392.html