Các nước trên thế giới áp dụng EPR ra sao?
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được áp dụng thành công từ cuối những năm 1980 tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức...
EPR được định nghĩa là cách tiếp cận dưới góc độ chính sách bảo vệ môi trường mà theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng tới tận giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Khái niệm này lần đầu tiên được xác định bởi nhà học thuật người Thụy Điển Thomas Lindhqvist vào năm 1990.
Theo Báo cáo tóm tắt chính sách EPR đối với rác thải bao bì tại Việt Nam, chính sách này đối với bao bì xuất hiện và tiến triển từ cuối những năm 1980/1990 tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ở châu Âu như Pháp, Đức.
Cơ chế này cũng đang ở giai đoạn phát triển ban đầu ở một số nước có thu nhập trung bình như Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Nam Phi và thu nhập cao như Chile, Singapore, được áp dụng cho tất cả các chất thải bao bì (nhựa, bìa cứng, thủy tinh, kim loại).
Ở mỗi nước, chính sách EPR có những đặc điểm khác nhau, nhưng đều có những nguyên tắc cơ bản chung. Doanh nghiệp chịu điều tiết bởi cơ chế này nộp một khoản phí tương ứng với loại và khối lượng bao bì sản phẩm bán ra thị trường. Khoản phí này được dùng để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế rác thải bao bì và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
EPR đòi hỏi thành lập một Tổ chức Trách nhiệm của Nhà sản xuất (PRO) chịu trách nhiệm điều hành hoạt động. PRO sẽ là tổ chức quản lý các khoản đóng góp tài chính của các doanh nghiệp thành viên và ký hợp đồng với chính quyền địa phương hoặc các đơn vị xử lý chất thải.
Kinh nghiệm các nước
Tại Nhật Bản, EPR xuất hiện trong Đạo luật Khuyến khích Thu gom và Tái chế Chai nhựa và Bao bì từ năm 1995 liên quan đến tái chế nhựa PET. Các chai nhựa PET vốn được sử dụng để đựng trà xanh ở quốc gia này đã dần được thay thế bằng các loại chai trong suốt. Các nhà sản xuất cũng bắt đầu sản xuất loại chai mỏng hơn, qua đó giảm lượng nhựa trong sản xuất và giảm thiểu trọng lượng chai, theo ERIA.
EPR cũng ràng buộc đối với các loại chai nhựa và bao bì khác nhau. Thông thường, các đô thị ở Nhật Bản có trách nhiệm phân loại và đóng gói chất thải bao bì đúng quy chuẩn trước khi gửi đến nơi tái chế. Còn với nhà sản xuất, họ có nghĩa vụ tài chính cho việc tái chế sản phẩm của chính mình. Các công ty này có thể hợp tác với PRO như Hiệp hội tái chế chai nhựa và bao bì Nhật Bản để thực hiện trách nhiệm.
Tương tự, Hàn Quốc áp dụng EPR bằng cách tiến hành chương trình đặt cọc - hoàn trả. Cơ chế đặt cọc - hoàn trả bắt buộc các nhà sản xuất và nhập khẩu phải gửi tiền vào một tài khoản đặc biệt và hoàn trả dựa trên tỉ lệ thu hồi. Chương trình này sẽ khuyến khích người tiêu dùng mang vỏ chai, bao bì qua sử dụng đến điểm thu nhận để đổi lấy tiền.
Cơ chế này áp dụng cho các nhà sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm khó tái chế, bao gồm cả các hóa chất nguy hiểm; dung dịch chống đông; kẹo cao su; tã dùng một lần; thuốc lá điếu; và các sản phẩm nhựa như ống PVC, đồ chơi và đồ dùng nhà bếp.
Theo New Security Beat, Đức đã sớm áp dụng EPR cho bao bì nhựa vào những năm 1990 và hiện dẫn đầu thế giới về tái chế. Năm 1991, Đức giới thiệu hệ thống Green Dot quy định các công ty đóng góp tiền cho việc thu gom, phân loại các loại chất thải bao bì có thể tái chế.
Theo hệ thống này, biểu tượng dấu chấm màu xanh lá cây trên bao bì sản phẩm cho người tiêu dùng thấy rằng các công ty đang tuân thủ các yêu cầu của EPR. Green Dot đã nâng tỉ lệ tái chế của Đức từ 3% vào năm 1991 lên 65% hiện nay và hình thành nền tảng chính sách EPR ở 29 quốc gia châu Âu, cùng với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi áp dụng EPR từ năm 1991 đến 1998, mức tiêu thụ bao bì bình quân đầu người của Đức đã giảm từ 94,7 kg xuống 82 kg, với tỉ lệ 13,4%.
Với Pháp, EPR đã được quy định trong luật kể từ năm 1975. Hệ thống đầu tiên trên toàn quốc được áp dụng vào năm 1992, áp dụng với chất thải bao bì thông thường. Sau đó, cơ chế này áp dụng cho khoảng 20 loại chất thải khác nhau như pin, ắc quy, giấy, thiết bị điện tử, hóa chất, đồ chơi, xe…
Các nhà sản xuất phải lập kế hoạch hành động trong 5 năm để khiến sản phẩm của họ có khả năng tái chế nhiều hơn. Sản phẩm càng thân thiện hơn với môi trường, khoản phí đóng góp sẽ càng giảm. Mặt khác, các nhà sản xuất không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ phải trả mức phí cao hơn, theo Qivive.
Số liệu của Ecocycle cũng cho biết, tại Mỹ, có hơn 115 chương trình EPR được áp dụng trên 33 bang vào năm 2019, tăng đáng kể so với chưa đến 10 chương trình vào năm 2001. Các chương trình này nhắm vào 14 loại sản phẩm khác nhau, tập trung vào các vật liệu nặng hoặc khó tái chế như đồ điện tử, sơn, nệm, thảm, đèn huỳnh quang và dược phẩm.
Kể từ năm 1993, EPR ở Thụy Điển đã chuyển toàn bộ chi phí quản lý chất thải hoặc thu gom từ chính quyền địa phương sang các nhà sản xuất. Chính sách này áp dụng cho các hàng hóa khác nhau như bao bì, giấy in báo, sản phẩm điện tử, pin, lốp xe, xe hết tuổi thọ, chất thải dược phẩm, dư phẩm phóng xạ. Quốc gia châu Âu quy định bên chịu trách nhiệm về ô nhiễm có trách nhiệm thanh toán cho những thiệt hại đã gây ra.
Trong khi nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng từ lâu, Singapore mới bắt đầu coi trọng EPR từ năm 2021 trước vấn nạn rác thải điện tử tăng nhanh. Singapore tạo ra hơn 60.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm, gây sức ép cho nền kinh tế, lãng phí và có hại cho sức khỏe cộng đồng, theo Straits Times.
Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) nước này đã giới thiệu hệ thống quản lý chất thải điện tử dựa trên cách tiếp cận EPR. Theo đó, cơ quan này đã chỉ định Tập đoàn Alba – công ty quản lý chất thải quốc tế - điều hành chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất từ nay đến năm 2026, thu gom rác thải điện tử trên khắp Singapore để xử lý và tái chế thay cho các nhà sản xuất.
NEA quy định các công ty sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến tác động môi trường khi kết thúc vòng đời sản phẩm của họ thay vì người tiêu dùng.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-ap-dung-epr-ra-sao-a519118.html