Các nước ủng hộ đàm phán hiệp định đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa
Hiệp định sẽ bao quát toàn bộ vòng đời của mọi vật chất làm bằng nhựa; có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất, tái thiết kế sản phẩm để thuận tiện hơn cho tái sử dụng, dùng bền, dễ phân hủy...
Ngày 2/3, Liên hợp quốc nhất trí khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa.
Gần 200 quốc gia dự Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) ở thủ đô Nairobi của Kenya đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán và đến năm 2024 sẽ hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý.
Phát biểu trước đại diện các nước, Chủ tịch UNEA Espen Barthe Eide gọi đây là "thời khắc lịch sử rất đáng để tự hào."
Các nhà đàm phán sẽ thảo luận để tìm ra các biện pháp nhằm ngăn chặn rác thải nhựa ở mọi dạng thức, không chỉ là chai nhựa và ống hút nhựa thải ra đại dương mà các những hạt vi nhựa có trong không khí, đất và chuỗi thức ăn.
Hiệp định sẽ bao quát toàn bộ vòng đời của mọi vật chất làm bằng nhựa và có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất, tái thiết kế sản phẩm để thuận tiện hơn cho việc tái sử dụng, dùng lâu bền và phân hủy tốt hơn.
Ủy ban trên sẽ cho phép thảo luận về các biện pháp ràng buộc hoặc tự nguyện, tạo cơ hội đàm phán về các mục tiêu và nghĩa vụ toàn cầu, phát triển các kế hoạch hành động quốc gia, các cơ chế theo dõi quá trình thực hiện và đảm bảo quy trách nhiệm đầy đủ. Trong đó, các nước nghèo cần được hỗ trợ về tài chính để hành động.
Khung hiệp ước đã được các nước thông qua, trong đó có những nước thải nhựa lớn như Mỹ và Trung Quốc. Các chính sách cụ thể sẽ được thảo luận chi tiết trong thời gian tới, với các vòng đàm phán đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm nay./.