Các ổ dịch ở Đông Nam Á làm gián đoạn sản xuất, đẩy giá cả tăng vọt
Nhiều đồn điền và nhà máy ở Malaysia phải tạm dừng hoạt động vì các ổ dịch Covid-19 mới. Sự gián đoạn sản xuất đẩy giá hàng hóa tăng vọt.
Theo Wall Street Journal, các đợt bùng phát Covid-19 ở Đông Nam Á khiến các cảng tắc nghẽn, nhiều đồn điền và nhà máy phải đóng cửa, gây ra sự gián đoạn kéo dài đối với nguồn cung những nguyên liệu thô như dầu cọ, cà phê và thiếc.
Những hạn chế ở Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới - đã ngăn người lao động nhập cư đến các đồn điền, đẩy giá dầu cọ lên cao. Loại dầu phổ biến này được sử dụng để làm kẹo, dầu gội đầu và nhiên liệu sinh học.
Nguồn cung thiếc toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động của một nhà máy luyện thiếc ở Malaysia. Điều này góp phần đẩy giá thiếc, kim loại công nghiệp thường được sử dụng để kết nối chip máy tính với bảng mạch trong thiết bị điện tử.
Tại Việt Nam, các hạn chế nhằm ngăn ngừa virus lây lan cũng ảnh hưởng đến hoạt động chế biến và xuất khẩu hạt cà phê. Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới về khối lượng.
Cú sốc nguồn cung
"Các cú sốc nguồn cung gây ảnh hưởng trên toàn cầu. Bởi Việt Nam và Malaysia chiếm thị phần lớn đối với các mặt hàng chủ chốt", chuyên gia kinh tế cấp cao Trinh Nguyễn tại Natixis bình luận.
Các doanh nghiệp như Unilever PLC và J.M. Smucker Co. thừa nhận giá nguyên liệu ngày càng tăng góp phần tạo ra áp lực chi phí. "Giá dầu cọ - thành phần quan trọng trong các sản phẩm làm sạch da của chúng tôi - hiện cao hơn 70% so với mức trung bình dài hạn", ông Graeme Pitkethly, Giám đốc tài chính của Unilever, tiết lộ.
"Nhu cầu gia tăng và sản lượng thu hoạch giảm đi đẩy giá lên cao", ông Pitkethly nói thêm. Công ty hàng tiêu dùng của ông cũng đã phải tăng giá một số mặt hàng.
Một trong những lý do khiến giá dầu cọ tăng cao là số lượng ca nhiễm mới ở Malaysia tăng đột biến. Đất nước ghi nhận khoảng 19.000 ca mắc mới và 400 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Malaysia đã áp dụng các hạn chế đi lại từ tháng 3 năm ngoái. Do đó, người lao động không thể đến đồn điền, dẫn đến số lượng lao động giảm dần. Ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia phục thuộc vào những lao động di cư từ Indonesia, Bangladesh và Ấn Độ.
Trong vài tháng qua, những ổ dịch Covid-19 mới buộc nhiều đồn điền phải đóng cửa, giáng thêm đòn lên các công ty dầu cọ. Sime Darby Plantation Bhd. cho biết tình trạng thiếu lao động ở Malaysia ngày càng tồi tệ. Họ chỉ được sử dụng 20% lượng lao động so với nhu cầu.
Công ty cho biết họ sản xuất khoảng 6% sản lượng dầu cọ thô của Malaysia vào năm ngoái. Theo Sime Darby Plantation Bhd., tình trạng thiếu hụt lao động và lượng mưa thấp hơn góp phần khiến sản lượng dầu cọ ở Malaysia sụt giảm 5% trong nửa đầu năm nay.
Công ty cũng đầu tư vào cơ khí hóa và tự động hóa để giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công.
Giá tăng cao
FGV Holdings Bhd. cũng cho biết họ phải đối mặt với những thách thức trong sản xuất do đợt bùng phát Covid-19 mới tại Malaysia. Công ty đóng góp 15% vào sản lượng dầu cọ thô của đất nước.
Theo dữ liệu của Hội đồng Dầu cọ Malaysia, trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đã sụt giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Bạn không đủ nhân công để thu hoạch quả", bà Ivy Ng tại CGS-CIMB Securities (có trụ sở ở Malaysia) bình luận. Theo bà, khi chính quyền Malaysia có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế vào cuối năm nay, những quy định đối với lao động nước ngoài cũng sẽ được nới lỏng. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề về lao động của các đồn điền dầu cọ.
Trong những tháng qua, giá thiếc tăng vọt sau khi Malaysia Smelting Corp. - một trong các nhà sản xuất thiếc tinh luyện lớn nhất thế giới - cắt giảm nhân viên và tạm dừng hoạt động để tuân thủ quy định của chính phủ.
Giá dầu cọ - thành phần quan trọng trong các sản phẩm làm sạch da của chúng tôi - hiện cao hơn 70% so với mức trung bình dài hạn. Nhu cầu gia tăng và sản lượng thu hoạch giảm đi đã đẩy giá lên cao
Ông Graeme Pitkethly, Giám đốc tài chính của Unilever
Trong tháng 6, xuất khẩu thiếc của Malaysia giảm 29% so với một năm trước đó. Một đại diện của công ty cho biết hoạt động sản xuất thiếc vẫn chưa trở lại bình thường.
"Giá thiếc tiếp tục có xu hướng tăng lên bởi nhu cầu đối với thiếc hàn trong thiết bị điện tử tiêu dùng và sự gián đoạn nguồn cung do khóa cửa ở các nước sản xuất thiếc trên thế giới", công ty viết trong một báo cáo tài chính vào tháng trước.
Tại Việt Nam, từ tháng 1 đến ngày 15/8, xuất khẩu cà phê đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá của cà phê vối (cà phê robusta) và cà phê chè (cà phê arabica) tăng mạnh trong năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu là hạn hán và sương giá ở Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Ngoài ra, theo Wall Street Journal, những khó khăn trong sản xuất tại Việt Nam cũng góp phần làm giá tăng cao.