Các tập đoàn lớn đã trốn thuế thế nào?
'Báo cáo minh bạch thuế doanh nghiệp thường niên' tiết lộ rất ít về hoạt động thuế của các tổ chức đa quốc gia. Câu hỏi đặt ra vẫn là các công ty và đơn vị thuế đang yêu cầu khấu trừ những gì.
Bài viết trên tờ The Conversation (Australia) số ra mới đây có nội dung như sau: Các công ty lớn đã nộp cho Chính phủ Australia số tiền thuế kỷ lục là 100 tỷ AUD (65,55 tỷ USD) trong năm 2024, tăng 17% so với năm 2023. Nhưng trong cùng kỳ, vẫn có 31% các công ty lớn hoạt động tại đây mà không nộp bất kỳ khoản thuế nào.
Cục Thuế Australia (ATO) vừa công bố "Báo cáo minh bạch thuế doanh nghiệp thường niên", trong đó có dữ liệu về gần 4.000 tập đoàn lớn nhất của
Australia. Được công bố năm thứ 10, báo cáo được chính phủ và ATO đánh giá là một cách để tăng trách nhiệm giải trình doanh nghiệp và giảm trốn thuế
.
Tuy nhiên, báo cáo không thông tin chi tiết về hoạt động thuế của những thực thể đa quốc gia, bao gồm cách họ tương tác với các văn phòng của mình trên toàn thế giới. Đặc biệt, có rất ít thông tin về việc 1.200 công ty không phải trả thuế.
* Báo cáo cho biết điều gì?
"Báo cáo minh bạch thuế doanh nghiệp thường niên" cung cấp dữ liệu về các công ty có thu nhập từ 100 triệu AUD trở lên và những doanh nghiệp nộp thuế tài nguyên dầu mỏ (PRRT). Dữ liệu cũng bao gồm các công ty nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và những doanh nghiệp tư nhân tại Australia.
Báo cáo nêu chi tiết về tổng thu nhập, thu nhập chịu thuế, thuế phải nộp và PRRT phải nộp đối với tất cả các thực thể đáp ứng ngưỡng phải nộp thuế. Tỷ lệ thuế doanh nghiệp theo luật là 30%.
Khác biệt giữa tỷ lệ thuế thực tế và tỷ lệ thuế theo luật không phải là bằng chứng của việc trốn thuế. Tuy nhiên, cần phải đặt nghi vấn về cách các công ty có lợi nhuận giảm nghĩa vụ thuế của họ xuống bằng 0. Một công ty có thể đạt được nghĩa vụ đóng thuế bằng 0 bằng cách khấu trừ các khoản bù trừ và tín dụng. Nhưng thông tin hạn chế được cung cấp chỉ cho biết lợi nhuận của một công ty, số tiền khấu trừ thuế được áp dụng cho lợi nhuận đó và số thuế phải nộp.
* Những vấn đề báo cáo không đề cập
"Báo cáo minh bạch thuế doanh nghiệp thường niên" tiết lộ rất ít về hoạt động thuế của các tổ chức đa quốc gia. Câu hỏi đặt ra vẫn là các công ty và đơn vị thuế đang yêu cầu khấu trừ những gì. ATO có thông tin này nhưng chỉ có thể công bố những gì luật cho phép, tức là có giới hạn.
Đối với các công ty đa quốc gia, khoản khấu trừ sẽ bao gồm giao dịch với những bộ phận ở nước ngoài của các thực thể trên toàn cầu, chẳng hạn như những công ty con hoặc thực thể mẹ. Các giao dịch này tạo ra những khoản khấu trừ thuế hợp pháp. Các giao dịch phổ biến bao gồm thanh toán cho những công ty con ở nước ngoài đối với các dịch vụ, thanh toán tiền bản quyền cho quyền sở hữu trí tuệ và lãi suất cho những khoản vay ở nước ngoài.
Trong trường hợp của công ty xăng dầu Chevron, tiền được vay ở Mỹ với lãi suất khoảng 1,2% trong khi lãi suất cho một thực thể liên quan ở Australia vay là 9%. Sau một cuộc chiến pháp lý dài, khoảng 5% lãi suất đã được khấu trừ, một số tiền cao hơn đáng kể so với lãi suất ban đầu. Điều này đã mang lại cho Chevron ở Australia một khoản khấu trừ thuế lớn. Thông qua các loại giao dịch này, lợi nhuận kiếm được ở Australia được chuyển ra nước ngoài. Luật thuế hiện hành cho phép điều này nhưng yêu cầu giao dịch, được gọi là giá chuyển nhượng (transfer price), phải theo giá thị trường - tức là giá được thỏa thuận giữa các bên độc lập tham gia cùng một giao dịch.
* Giá chuyển nhượng là gì?
Các công ty đa quốc gia có bản chất toàn cầu và do đó về mặt logic sẽ tối đa hóa lợi nhuận trên toàn thế giới. Hệ thống thuế không hoạt động theo cách đó. Thuế được áp dụng theo luật trong nước, nghĩa là giao dịch giữa các bộ phận của một thực thể toàn cầu được công nhận cho mục đích thuế. Nếu hàng hóa hoặc dịch vụ được một bộ phận thuộc một thực thể bán cho một bộ phận khác, được coi là giao dịch nội bộ. Đối với mục đích thuế, giao dịch được công nhận là khoản khấu trừ ở một địa điểm và thu nhập ở một địa điểm khác. Một thực thể Australia sẽ trả cho một bên nước ngoài cho những thứ như tiếp thị và được khấu trừ cho chi phí.
Trong những năm gần đây, ATO đã giải quyết những tranh chấp với các công ty đa quốc gia lớn bao gồm Google, BHP, Apple, Rio Tinto, ResMed và Microsoft. Khi khấu trừ được phép ở nơi có mức thuế cao, chẳng hạn như Australia, và thu nhập được bao gồm trong lợi nhuận của nơi có mức thuế thấp, chẳng hạn như Singapore, thì kết quả sẽ là tổng lợi nhuận toàn cầu lớn hơn.
Hệ thống thuế công nhận động cơ của các thực thể đa quốc gia chuyển lợi nhuận theo cách này và yêu cầu những giao dịch phải có giá thương mại hoặc giá đã thương lượng. Tuy nhiên, việc xác định giá có thể rất khó khăn và đã dẫn đến nhiều vụ kiện tụng và tranh chấp thuế. Báo cáo minh bạch về thuế không tiết lộ về những loại giao dịch này.
* Đánh thuế các công ty đa quốc gia tại Australia
Trong thập kỷ qua đã có những động thái đánh thuế thu nhập tại địa điểm hoạt động kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cố gắng ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận của các công ty, làm xói mòn cơ sở thuế của những khu vực đánh thuế cao, thông qua chương trình cải cách thuế. Vấn đề phức tạp hơn về giá chuyển nhượng là liệu có bất kỳ hoạt động thực sự nào ở các quốc gia nơi các bộ phận khác nhau của một công ty đa quốc gia đặt trụ sở hay không.
Sở hữu trí tuệ cũng đặt ra những vấn đề tương tự. Đây là những tài sản ngày càng có giá trị đối với các thực thể đa quốc gia vì chúng cung cấp lợi thế độc đáo trên thị trường. Hãy xem Apple, Microsoft và Google để hiểu tên, logo và thiết kế có giá trị như thế nào. Theo bản chất, sở hữu trí tuệ không có vị trí vật lý và có thể được sở hữu ở bất kỳ đâu trên thế giới. Thông thường, sở hữu trí tuệ được nắm giữ ở các quốc gia có thuế thấp hoặc không có thuế. Báo cáo minh bạch không bao gồm thông tin chi tiết về số tiền được chuyển đến các địa điểm này.
Australia nên tiếp tục phấn đấu để trở thành quốc gia đi đầu trong việc minh bạch thuế doanh nghiệp. Cần có cách tiếp cận hai bước để loại bỏ tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp. Thông tin có giá trị và các biện pháp minh bạch công khai là bước đầu tiên quan trọng. Tuy nhiên, bước thứ hai là cải cách luật thuế thực chất để đánh thuế vào lợi nhuận thực sự được các doanh nghiệp tạo ra.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-tap-doan-lon-da-tron-thue-the-nao/352691.html