Các 'Ông Bầu' mua CLB nước ngoài là điều có lợi cho bóng đá Việt Nam
Những ông bầu người Việt Nam sở hữu các đội bóng nước ngoài sẽ đem đến rất nhiều cơ hội cho bóng đá nước nhà phát triển.
Mới đây, tân chủ tịch của Sài Gòn FC, Trần Hòa Bình khẳng định rằng, trong thời gian tới, ban lãnh đạo đội bóng này sẽ xem xét hợp tác hoặc mua đứt với một đội bóng hiện đang thi đấu ở giải hạng 3 Nhật Bản.
Việc một CLB đang thi đấu ở V.League bắt tay hợp tác với một đội bóng nước ngoài hay một ông Bầu sở hữu một CLB nước ngoài đã không còn quá xa lạ với NHM Việt Nam. Năm 2006, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã tự mình sang Anh để hợp tác với CLB Arsenal để xây dựng Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG. Dưới sự chỉ dạy của đội ngũ chuyên gia hàng đầu, những tài năng nhí như Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh... dần trưởng thành để rồi trở thành những nhân tố quan trọng của ĐTQG.
Không những thế, trước đây Bầu Đức còn là chủ sở hữu của đội bóng CLB Hoàng Anh Attapeu (Lao League), đội bóng này đã giành được chức vô địch giải quốc nội vào năm 2014.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam cũng gây được tiếng vang lớn khi trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu một đội bóng châu Âu là Sarajevo (Giải vô địch quốc gia Bosnia Herzegovina).
Nhìn rộng hơn, Thái Lan cũng là quốc gia có nhiều ông bầu sở hữu những đội bóng ở nước Anh như gia đình Srivaddhanaprabha đã sở hữu CLB Leicester City (Premier League); Dejphon Chansiri cũng sở hữu CLB Sheffield United...
Có thể thấy, ĐTQG Thái Lan được hưởng lợi rất nhiều khi các cầu thủ của họ thường xuyên được tập luyện, du đấu ở châu Âu. Chính vì thế, việc tân chủ tịch Sài Gòn FC muốn hợp tác hoặc mua một đội bóng ở nước ngoài cho thấy phần nào đó, bóng đá nước nhà đang bắt kịp xu thế chung của thế giới.
Những ông bầu Việt Nam hợp tác hoặc mua đứt một đội bóng ngoài nước đều chung một mong muốn là đưa các cầu thủ Việt ra thi đấu, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ, để hướng tới mục tiêu tham dự World Cup trong tương lai.
Cao Văn Triền và Trần Danh Trung là hai cái tên được lựa chọn để "du học" tại Nhật Bản vào tháng 7. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cầu thủ Việt Nam khác được thử sức ở "sân chơi" này. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra hoài nghi về mức độ thành công của các cầu thủ, liệu đây có phải là những bản hợp đồng mang tính chất thương mại?
Trao đổi với Phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia bóng đá Trần Duy Long cho rằng việc tân Chủ tịch Sài Gòn FC muốn mua một CLB là chuyện bình thường và đây là điều có lợi cho bóng đá Việt Nam: "Thực tế cũng cho thấy nhiều đội bóng ở Anh hiện đang thuộc sở hữu của những ông chủ người Trung Đông hay Thái Lan. Vậy nên, tôi cho rằng, việc các ông bầu Việt Nam sở hữu đội bóng nước ngoài ở thời điểm này là hoàn toàn bình thường".
"Nếu các ông bầu mua đội bóng nước ngoài thì tôi cho rằng sẽ rất có lợi cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta sẽ học tập được cách quản lý của các đội bóng như chế độ dinh dưỡng, cách thức tập luyện... Cầu thủ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cọ xát, thi đấu, qua đó rút ra được thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu hơn", chuyên gia Bóng đá Trần Duy Long cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Long tỏ ra khá tin tưởng vào khả năng thành công của các cầu thủ Việt Nam nếu có cơ hội thi đấu ở J.League 3 trong thời gian tới: "Trong trường hợp thi đấu ở J.League 1, các cầu thủ sẽ khó có cơ hội được thi đấu hơn nhưng theo tôi, ở giải hạng 3, đây là giải đấu phù hợp với các cầu thủ Việt bởi trình độ của họ cũng tương đương hoặc chỉ nhỉnh hơn chúng ta một chút. Ngoài ra, lối chơi của các đội bóng Nhật Bản thiên về kỹ thuật nên khả năng cao sẽ phù hợp với những cầu thủ Việt Nam".
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhận định rằng, để cạnh tranh một suất đá chính không hề dễ dàng. Nhưng, các cầu thủ dù có được thi đấu thường xuyên hay không đi chăng nữa, họ cũng sẽ đúc kết ra nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hay chiến thuật. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho chính bản thân các cầu thủ và xa hơn là ĐTQG.