Các ông Blinken, Lavrov lần đầu gặp nhau kể từ cuộc chiến Ukraine
Các Ngoại trưởng của Nga và Mỹ đã nói chuyện trực tiếp với nhau vào thứ Năm (2/3), lần đầu tiên kể từ khi Nga xung đột với Ukraine bên lề một hội nghị của G20 ở New Delhi, Ấn Độ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng hãy chấm dứt cuộc chiến và kêu gọi Moscow đảo ngược việc đình chỉ hiệp ước hạt nhân New START, theo một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov và ông Blinken đã “vừa đi vừa nói chuyện” trong chưa đầy 10 phút vào cuối phiên họp kín và không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào.
“Tôi đã nói với Ngoại trưởng rằng bất kể điều gì khác đang xảy ra trên thế giới hay trong mối quan hệ của chúng ta, Mỹ sẽ luôn sẵn sàng tham gia và hành động để kiểm soát vũ khí chiến lược, giống như Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh”, Blinken cho biết.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ không hy vọng có thêm các đối thoại cấp cao chính thức với Nga trong thời gian tới và họ không tin rằng "cuộc gặp ngắn" của Blinken và Lavrov sẽ thay đổi thái độ của Moscow.
Trước đó trong cuộc họp của các Ngoại trưởng, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã hối thúc nhóm G20 tiếp tục gây áp lực lên Nga để chấm dứt cuộc xung đột, hiện đã bước sang năm thứ hai.
Nga đã cáo buộc phương Tây biến công việc trong chương trình nghị sự G20 thành một "trò hề" và cho biết các phái đoàn phương Tây muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã công bố quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước New START, sau khi cáo buộc phương Tây liên quan trực tiếp đến nỗ lực tấn công các căn cứ không quân chiến lược của nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, phát biểu tại một hội nghị của Liên hợp quốc ở Geneva, cho biết Mỹ đã cố gắng "xâm phạm an ninh các cơ sở chiến lược của Nga… bằng cách hỗ trợ chế độ Kiev tiến hành các cuộc tấn công vũ trang chống lại chúng".
Lầu Năm Góc sau đó cho biết thật "vô lý" khi cho rằng Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine về các mục tiêu bên trong Nga. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã gây tổn hại cho "hầu hết mọi quốc gia trên hành tinh, về lương thực, năng lượng, lạm phát".
G20 bao gồm các quốc gia G7 giàu có cũng như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Úc và Ả Rập Xê Út, cùng một số các quốc gia có nền kinh tế lớn khác. Ấn Độ, nước giữ chức chủ tịch khối năm nay, muốn làm nổi bật tác động kinh tế của cuộc chiến cũng như các vấn đề như biến đổi khí hậu và nợ của các nước nghèo.
Huy Hoàng (theo Reuters, AFP, CNA)