Các ông lớn AI đua nhau tăng trí nhớ cho chatbot
Trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo, các tập đoàn công nghệ lớn như OpenAI, Google, Meta, Microsoft đang đầu tư mạnh vào khả năng ghi nhớ của chatbot.
Theo Financial Times, mục tiêu là giúp các mô hình AI không chỉ hiểu người dùng trong một cuộc trò chuyện ngắn mà còn ghi nhớ lâu dài để phản hồi một cách cá nhân hóa, chính xác và hữu ích hơn.
Khả năng lưu trữ ký ức không chỉ là một bước tiến kỹ thuật, mà còn là yếu tố then chốt giúp các công ty giữ chân người dùng, gia tăng khả năng thương mại hóa và cạnh tranh trong thị trường chatbot đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về rủi ro quyền riêng tư và nguy cơ lạm dụng dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại.

Các công ty trí tuệ nhân tạo đã tăng cường trí nhớ dài hạn của các mô hình AI bằng cách lưu trữ hồ sơ và sở thích của người dùng - Ảnh: AFP
Trước đây, các chatbot như ChatGPT hay Google Gemini chủ yếu dựa vào “cửa sổ ngữ cảnh”, khả năng xử lý một lượng giới hạn nội dung trong phiên trò chuyện hiện tại. Giờ đây, các hệ thống này đang được nâng cấp để mở rộng phạm vi ghi nhớ, bao gồm cả các thông tin lịch sử từ những cuộc trao đổi trước, thậm chí kết hợp với dữ liệu bên ngoài như lịch sử tìm kiếm, tệp nội bộ hay sở thích của người dùng.
Ví dụ, nếu người dùng từng nói rằng mình ăn chay, chatbot có thể ghi nhớ thông tin này để đưa ra đề xuất nhà hàng hoặc thực đơn phù hợp trong tương lai, mà không cần hỏi lại. Khả năng này khiến trải nghiệm tương tác trở nên mượt mà và tự nhiên hơn.
“Nếu bạn có một tác nhân thực sự hiểu bạn vì nó đã lưu giữ ký ức từ những cuộc trò chuyện trước, dịch vụ đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Một khi bạn đã quen với trải nghiệm đó, bạn sẽ ít có xu hướng chuyển sang nền tảng khác”, Giáo sư Pattie Maes (Phòng thí nghiệm truyền thông của MIT) nhận định.
Các công ty lớn triển khai trí nhớ AI như thế nào
OpenAI, đơn vị phát triển ChatGPT, đã trang bị cho chatbot khả năng lưu lại các thông tin như phong cách nói chuyện, thói quen hoặc câu trả lời trước đó của người dùng. Người dùng có thể truy cập phần cài đặt để xem chatbot “nhớ” gì về mình, xóa các mục đã lưu hoặc tắt toàn bộ tính năng bộ nhớ nếu muốn.
Google cũng mở rộng tính năng nhớ của Gemini bằng cách kết nối với lịch sử tìm kiếm – nếu người dùng cho phép – và hướng tới tích hợp sâu hơn với các sản phẩm như Gmail, Lịch Google hoặc Tài liệu Google trong tương lai. Theo ông Michael Siliski, Giám đốc quản lý sản phẩm cấp cao tại Google DeepMind, “giống như một trợ lý con người, AI hiểu bạn càng rõ thì hỗ trợ càng hiệu quả”.
Meta, trong khi đó, đã tích hợp bộ nhớ vào các chatbot hoạt động trên nền tảng WhatsApp và Messenger, cho phép truy xuất các cuộc trò chuyện cũ để cung cấp phản hồi phù hợp hơn.
Tại môi trường doanh nghiệp, Microsoft đang tận dụng dữ liệu tổ chức như email, tệp tin nội bộ và lịch làm việc để cải thiện khả năng ghi nhớ của trợ lý AI. Tháng trước, hãng này bắt đầu triển khai bản dùng thử của tính năng Recall trên một số thiết bị. Đây là chức năng ghi lại hoạt động của người dùng bằng cách chụp ảnh màn hình máy tính. Dù người dùng có thể chọn không tham gia hoặc tạm dừng tính năng, sự ra mắt của Recall đã vấp phải chỉ trích từ cộng đồng bảo mật, khiến Microsoft phải hoãn phát hành nhiều lần.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ cũng xem bộ nhớ như một công cụ quan trọng để thúc đẩy doanh thu, thông qua các hình thức như quảng cáo cá nhân hóa hoặc tiếp thị liên kết.
Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg, từng phát biểu trong một cuộc họp báo cáo tài chính rằng: “Sẽ có cơ hội lớn để hiển thị các đề xuất sản phẩm hoặc quảng cáo” dựa trên trí nhớ chatbot AI của công ty.
Tháng trước, OpenAI cũng cải tiến khả năng mua sắm trong ChatGPT để hiển thị sản phẩm và đánh giá người dùng tốt hơn. Tuy công ty khẳng định chưa triển khai các liên kết tiếp thị, động thái này cho thấy tiềm năng thương mại lớn nếu chatbot có thể ghi nhớ và phân tích nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Lo ngại về quyền riêng tư và sự thao túng người dùng
Tuy nhiên, khả năng ghi nhớ mở rộng cũng làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư và sự minh bạch trong cách các công ty xử lý dữ liệu cá nhân. Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang theo dõi sát sao các mô hình AI có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu người dùng để đảm bảo không có hành vi thao túng hay vi phạm quyền cá nhân.
Bộ nhớ cũng khiến chatbot dễ trở nên thiên lệch, khi quá ưu tiên phản hồi theo sở thích người dùng, dẫn đến củng cố niềm tin sai lệch hoặc xu hướng cực đoan. Hồi tháng trước, OpenAI đã phải xin lỗi khi phiên bản GPT-4o bị người dùng phản ánh là quá “nịnh nọt” và dễ chiều theo ý kiến, khiến công ty phải quay trở lại phiên bản ổn định hơn trước đó.
Ngoài ra, trí nhớ mở rộng có thể gây ra hiện tượng “trôi dạt ký ức” – tức là khi các thông tin đã lưu trở nên lỗi thời, không còn phù hợp hoặc thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng phản hồi của mô hình
“Càng biết nhiều về bạn, hệ thống càng có thể bị khai thác cho các mục đích tiêu cực như thao túng hành vi tiêu dùng hoặc củng cố định kiến xã hội. Vì vậy, cần phải đặt câu hỏi về động cơ thật sự của các công ty đứng sau những dịch vụ AI này”, Giáo sư Pattie Maes nhận định.
Tính năng ghi nhớ của AI rõ ràng mang lại lợi ích đáng kể cho trải nghiệm người dùng, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về sự minh bạch, kiểm soát cá nhân và đạo đức công nghệ. Việc phát triển AI có trí nhớ không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là bài toán xã hội cần sự giám sát và điều chỉnh phù hợp.
Trong bối cảnh AI ngày càng trở thành một phần của đời sống số, khả năng ghi nhớ, điều từng là ưu điểm riêng có của con người, nay đang được lập trình vào các chatbot. Đây là bước tiến hứa hẹn thay đổi cách chúng ta tương tác với công nghệ, nhưng cũng đòi hỏi người dùng và nhà phát triển cùng nâng cao cảnh giác và trách nhiệm, để đảm bảo rằng công nghệ phục vụ con người, chứ không kiểm soát họ.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-ong-lon-ai-dua-nhau-tang-tri-nho-cho-chatbot-232652.html