Kiến thức drone cơ bản cần được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông
Theo đại diện Ban chỉ huy quân sự quận Phú Nhuận (Bộ Tư lệnh TP.HCM), các hội nhóm, CLB sinh hoạt drone cần hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Các kiến thức drone cơ bản cần được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
Tại hội nghị về phát hiện hệ sinh thái drone, UAV trong giáo dục và công nghiệp do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức sáng 16/5, thiếu tá Phạm Công Nguyên, Trợ lý Quân lực, Ban chỉ huy quân sự quận Phú Nhuận (Bộ Tư lệnh TP.HCM) cho biết, hiện chưa có trường lớp, hay trung tâm có chương trình, giáo trình đào tạo sử dụng, lắp ráp drone phục vụ nhiệm vụ các ngành khác nhau.

Thiếu tá Phạm Công Nguyên, đại diện Ban chỉ huy quân sự quận Phú Nhuận, Bộ Tư lệnh TP.HCM chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hà An.
Hiện, cộng đồng tìm hiểu cách lắp ráp, điều khiển drone chủ yếu tự nghiên cứu, tìm hiểu qua Internet và hoạt động qua các hội nhóm tự phát. Theo thiếu tá Nguyên, các hội nhóm này chưa có sự quản lý của chính quyền, chưa có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.
Điều này làm cho người sử dụng, nghiên cứu drone không có định hướng rõ ràng, chưa nhận thức được tính pháp lý, bảo đảm an toàn và các quy định của pháp luật trong vận hành drone, đặc biệt với drone FPV (thiết bị góc nhìn thứ nhất) chuyên dùng do trinh sát quân sự, chiến đấu.
Hoạt động bay cần được quản lý
Theo đại diện Bộ tư lệnh TP.HCM, dự kiến tháng 7 năm nay Quốc hội sẽ thông qua Luật Phòng không nhân dân sẽ có các quy định liên quan quy chế ràng buộc về phương tiện bay không người lái.
Quy chế ràng buộc theo thiếu tá Nguyên sẽ tạo thói quen người dân hiểu được khu vực nào được phép bay, khu vực nào bị cấm bay. Việc đào tạo sẽ giúp các câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt drone hiểu đúng quy chuẩn cần thiết.
Với drone FPV, thực tế theo ông, hiện chưa có nhiều nhân sự được tiếp xúc nên không biết cách vận hành, điều khiển, bảo quản… dẫn đến thực trạng thiếu lớp nhân lực tiếp cận nền tảng drone cơ bản, sẵn sàng tiếp nhận các thiết bị chuyên dùng phục vụ cho nhiệm vụ quân sự và dân sự. Khi có tình huống xảy ra trên địa bàn, điều động cán bộ phối hợp xử lý còn chậm do thiếu nhân sự vận hành.
Do đó, thiếu tá Nguyên nhìn nhận việc đào tạo chuyên gia điều khiển drone là rất cần thiết. Hiện Học viện Phòng không Không quân đã tổ chức tuyển sinh sỹ quan đầu tiên chuyên cho lĩnh vực drone.
Đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận định, các hội nhóm, CLB sinh hoạt drone cần hoạt động dưới sự quản lý cơ quan thẩm quyền. Các kiến thức drone cơ bản cần được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, như đưa môn drone soccer (drone đá bóng) vào môn công nghệ và thể dục để rèn luyện kỹ năng điều khiển và tư duy chiến thuật sử dụng drone cho học sinh.
Theo thạc sĩ Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu, ĐH Quốc gia TP.HCM, trong chương trình đào tạo drone bắt buộc phải xây dựng hệ thống thực hành, để đảm bảo người học được thực hành thành thạo ở nhiều cấp độ khác nhau. Chương trình đào tạo có sự phối hợp với cơ quan quân sự để hướng dẫn kiến thức kỹ năng về an toàn bay cho người học.

Học sinh trải nghiệm drone đá bóng tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Hà An.
PGS.TS Lê Quốc Cường, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết chỉ khi người học được trang bị cả kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành và tư duy hệ thống, họ mới có thể trở thành những kỹ sư, nhà sáng chế và doanh nhân công nghệ tương lai.
Ông cam kết đồng hành cùng các bên là viện trường, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong xây dựng hệ sinh thái drone, UAV tại Việt Nam và kết nối nguồn lực để phát triển hạt giống công nghệ ngành này.