Các 'ông lớn' bia rượu đón nhận cái tết buồn
Bức tranh tài chính của một số doanh nghiệp bia rượu cho thấy ngành này phải đối mặt với một cái tết 'buồn', bất chấp Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần.
Tác động tiêu cực từ nền kinh tế khiến doanh nghiệp ngành bia rượu ghi nhận sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh. Không chỉ vậy, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng "đi lùi". Ngay từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp đều chứng kiến kết quả kinh doanh suy giảm do ảnh hưởng từ Nghị định 100 cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp ngành bia trong nước đã phản ánh hàng loạt khó khăn đang phải đối mặt, như: giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng cao; nhu cầu tiêu thụ yếu do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu không thiết yếu; sức cầu yếu khiến các nhà sản xuất phải tăng cường các chính sách quảng cáo, khuyến mãi, chiết khấu để thúc đẩy bán hàng, bảo vệ thị phần.
Đó là chưa kể sự đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh bia nhập khẩu, bia ngoại đến từ những tập đoàn đa quốc gia. Các công ty nhập khẩu này nhận được hậu thuẫn lớn về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động duy trì và phát triển thương hiệu từ tập đoàn nước ngoài.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định ngành bia đã có một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) với chế tài rất nặng áp dụng khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
"Tất cả đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20 - 30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Thêm vào đó, xung đột Nga - Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nguyên liệu tăng phi mã", VBA cho hay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bia trong nước còn phản ánh dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi (trong đó thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia) nếu được triển khai sẽ khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn.
Công ty cổ phần Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico) - chủ thương hiệu rượu vodka Hà Nội - vẫn chưa thoát chuỗi thua lỗ kéo dài trong gần 9 năm qua. Quý 4/2023 doanh nghiệp chỉ thu về hơn 32 tỉ đồng và lỗ ròng hơn 4 tỉ đồng.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý 4/2023 của Halico (mã HNR) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 32 tỉ đồng, giảm nhẹ 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do doanh thu không đủ bù đắp các loại chi phí, công ty vẫn báo lỗ sau thuế 4,2 tỉ đồng, tiếp tục nối dài mạch thua lỗ lên con số 27 quý kể từ quý 2/2017. Đến nay, Halico đã lỗ lũy kế 457 tỉ đồng.
Cả năm 2023, chủ thương hiệu Vodka Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 100 tỉ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Song, số lỗ của Halico trong giai đoạn này chỉ đạt hơn 10 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận khoản lỗ trên 12,4 tỉ đồng.
Khoản lỗ giảm xuống chủ yếu nhờ giá vốn hàng bán trong năm tài chính 2023 giảm gần 10 tỉ đồng so với năm trước, còn 72,6 tỉ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến gần 232 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận khoản lỗ khác 748 triệu đồng.
Tính tới ngày 31.12.2023, tổng tài sản của Halico đạt gần 376 tỉ đồng, chênh lệch không đáng kể so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho tăng hơn 35% so với cùng kỳ, lên mức 98,5 tỉ đồng, chiếm hơn 26% tổng tài sản. Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 19 tỉ đồng.
Dư nợ của công ty tính đến cuối tháng 12.2023 là 20,1 tỉ đồng, trong đó đều là nợ ngắn hạn. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNR của Halico hầu như không có giao dịch, tính đến ngày 15.1.2024, giá cổ phiếu này hiện đang tại mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 62% kể từ khi niêm yết.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý 4/2023 của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) cũng chỉ ra một bức tranh tài chính không mấy lạc quan khi doanh nghiệp này báo lỗ hơn 1,2 tỉ đồng. Cả năm 2023, công ty ghi nhận lãi sau thuế 6 tỉ đồng, giảm gần 43% so với năm trước. Mặc dù doanh thu thuần của HAD vẫn tăng nhưng do giá vốn và chi phí bán hàng ngốn phần lớn lợi nhuận khiến doanh nghiệp này vẫn bị lỗ trong quý cuối cùng của năm 2023 và tính cả năm thì lợi nhuận giảm mạnh.
Trước đó, nhìn vào bức tranh tài chính của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) quý 3/2023 cũng thấy được rằng đơn vị này đạt doanh thu thuần 7.415 tỉ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng 31,3% lên hơn 373 tỉ đồng, chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng.
Sabeco báo lãi sau thuế 1.074 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 4 liên tiếp Sabeco ghi nhận doanh thu giảm. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì lợi nhuận ở mức trên 1.000 tỉ đồng.
Phía Sabeco cho biết nguyên nhân kết quả kinh doanh thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không giảm nhiều.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.941 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.288 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.259 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Quý 3/2023, Habeco đồng loạt tiết giảm chi phí nhân viên, nguyên vật liệu, bốc xếp vận chuyển...
Sau khi trừ các chi phí, Habeco báo lãi đi lùi 54%, xuống chỉ còn 106,7 tỉ đồng. Lũy kế 3 quý đầu năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 5.510 tỉ đồng, giảm nhẹ 7%. Kết quả, ông chủ thương hiệu bia nổi tiếng miền Bắc báo lãi 291 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2023 sản lượng bia trong nước tăng mạnh, ước đạt 369,2 triệu lít, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, sản lượng bia các loại đạt 3.405 triệu lít, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ngành bia vẫn đang đối mặt với những khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào (malt, đường) vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-ong-lon-bia-ruou-don-nhan-cai-tet-buon-213175.html