Các 'ông lớn' công nghệ bắt tay xây dựng tiêu chuẩn về AI
Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã cùng hợp tác để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh và mô hình ngôn ngữ lớn.
Ant Group, Baidu và Tencent Holdings của Trung Quốc đã hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới bao gồm OpenAI, Microsoft và Nvidia để công bố hai tiêu chuẩn quốc tế về Ai tạo sinh và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Theo một tuyên bố từ sự kiện do Học viện Công nghệ Kỹ thuật số Thế giới (WDTA) tổ chức bên lề Hội nghị Khoa học và Công nghệ Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, các công ty này đã ban hành “Tiêu chuẩn xác thực và kiểm tra bảo mật ứng dụng AI tạo sinh” và “Phương pháp kiểm tra bảo mật mô hình ngôn ngữ lớn”.
Chúng là các tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên đặc biệt bao gồm GenAI và mô hình ngôn ngữ lớn, các công nghệ đằng sau các dịch vụ AI ngày càng phổ biến như ChatGPT của OpenAI và Copilot của Microsoft. Trước đó, Baidu cũng đã tung ra chatbot AI của riêng mình, Ernie Bot, trong khi Tencent và Ant đã ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn tương ứng của riêng họ.
Được biết, tiêu chuẩn cho GenAI mới được viết bởi các nhà nghiên cứu từ Nvidia, Meta Platforms, chủ sở hữu Facebook và những tập đoàn khác, đồng thời được các công ty bao gồm Amazon, Google, Microsoft, Ant, Baidu và Tencent đánh giá. Tiêu chuẩn này cung cấp một khuôn khổ để kiểm tra và xác nhận tính bảo mật của các ứng dụng GenAI.
Theo bản sao chính thức được công bố trên trang web của WDTA, 17 nhân viên Ant Group đã viết bộ tiêu chuẩn về mô hình ngôn ngữ lớn phác thảo hàng loạt các phương pháp tấn công đa dạng để kiểm tra khả năng chống hack của mô hình ngôn ngữ lớn. Bộ tiêu chuẩn này được Nvidia, Microsoft, Meta Platforms và những hãng khác xem xét.
Khi GenAI phát triển nhanh chóng và ngày càng được các doanh nghiệp và người dùng cá nhân sử dụng nhiều hơn, các công ty công nghệ đã kêu gọi nỗ lực giữ an toàn cho công nghệ này. Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cho biết: “Đầu tư vào các nỗ lực đảm bảo an toàn toàn diện khi sử dụng các ứng dụng AI sẽ là một trong những ưu tiên của Công ty trong tương lai".
Vào tháng 7/2023, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên quản lý GenAI và các dịch vụ liên quan bằng việc ban hành các quy tắc quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ phải duy trì các giá trị xã hội cốt lõi cùng với các yêu cầu khác.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã chấp thuận cho một số công ty công nghệ, bao gồm Ant, Baidu và Tencent thiết lập các mô hình ngôn ngữ lớn của họ cho mục đích thương mại.
Trên thực tế, các tiêu chuẩn và quy định quốc tế về AI đã tồn tại trước khi GenAI trở nên phổ biến. Vào năm 2021, UNESCO, cơ quan di sản của Liên hợp quốc, đã đưa ra “Khuyến nghị về đạo đức của AI”, đã được 193 quốc gia thành viên thông qua.
Từ năm 2022 đến năm 2023, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva, đã tiến hành soạn thảo các tiêu chuẩn bao gồm nhiều lĩnh vực từ an toàn nơi làm việc đến bảo mật công nghệ thông tin. Tổ chức này cũng đã xuất bản các hướng dẫn liên quan đến AI về quản lý hệ thống, quản lý rủi ro và hệ thống sử dụng AI.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ những cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới sẽ mang lại những thay đổi thực chất trong việc quản trị AI. Trung Quốc đã đi trước Mỹ về nhiều mặt trong cuộc đua AI.
Các công ty như Tencent, Alibaba và Huawei được xếp hạng trong số 10 công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu AI. Ở cấp độ cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã xây dựng mạng băng rộng di động và cáp quang lớn nhất thế giới cũng như mạng 5G độc lập lớn nhất thế giới.
"AI mang đến những thay đổi mạnh mẽ nhưng cũng là mối đe dọa toàn cầu", Tiến sĩ Junhua Zhang, cộng tác viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Châu Á tại Châu Âu đánh giá. Sự trỗi dậy của AI chắc chắn tạo điều kiện cho tội phạm xảy ra trên quy mô toàn cầu.
Ông Zhang cho rằng, từ quan điểm kinh doanh, việc khai thác điểm yếu trong hệ thống AI có thể cho phép thực hiện dễ dàng các cuộc tấn công mạng, dẫn đến phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và đánh cắp thông tin nhạy cảm. Hơn nữa, do những thách thức về công nghệ và sự thống trị của các tập đoàn lớn, AI có thể dẫn đến độc quyền thị trường và cạnh tranh không lành mạnh, làm suy yếu tính công bằng của thị trường.
Chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp toàn cầu đều có chung sự thận trọng sâu sắc đối với sự tiến bộ AI. Do đó, việc các tập đoàn công nghệ lớn tìm thấy cách tiếp cận chung đối với việc phát triển và quản lý AI sẽ mang lại lợi ích lớn cho thế giới để tìm ra cách thức hiệu quả nhất trong việc ứng dụng loại công nghệ tiên tiến này.