Các 'ông lớn' công nghệ Mỹ tăng áp lực buộc EU hạn chế giám sát

Tỷ phú Zuckerberg đã gây chấn động vào ngày 7/1 khi thông báo ngừng kiểm tra thông tin trên Facebook và Instagram tại Mỹ, đồng thời ám chỉ rằng những thay đổi cũng có thể diễn ra ở châu Âu.

Biểu tượng của trang mạng xã hội Facebook và Instagram trên màn hình điện thoại thông minh và máy tính bảng ở Toulouse, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biểu tượng của trang mạng xã hội Facebook và Instagram trên màn hình điện thoại thông minh và máy tính bảng ở Toulouse, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định của tỷ phú Mark Zuckerberg về dừng hoạt động kiểm chứng thông tin trên Facebook và Instagram tại Mỹ cùng với những chỉ trích ngày càng tăng từ ông chủ mạng xã hội X Elon Musk đang gây thêm áp lực lên Liên minh châu Âu (EU) trong việc chứng tỏ thẩm quyền của khối này đối với các công ty công nghệ lớn tại khu vực.

Những diễn biến này đặc biệt đáng chú ý, khi chỉ còn hai tuần nữa ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Ông Zuckerberg đã gây chấn động vào ngày 7/1 (giờ địa phương) khi thông báo ngừng kiểm tra thông tin trên Facebook và Instagram tại Mỹ, đồng thời ám chỉ rằng những thay đổi cũng có thể diễn ra ở châu Âu.

Người đứng đầu Meta cáo buộc EU đang "thể chế hóa việc kiểm duyệt," lặp lại những phàn nàn lâu nay của tỷ phú Musk về các nỗ lực điều chỉnh không gian trực tuyến của EU.

Mặc dù Meta tuyên bố không có kế hoạch ngay lập tức chấm dứt hoạt động kiểm chứng thông tin tại EU, một báo cáo đánh giá rủi ro liên quan đến những thay đổi trong chính sách nội dung đã được gửi đến Ủy ban châu Âu.

Phía Ủy ban châu Âu đã bác bỏ các cáo buộc kiểm duyệt của ông Zuckerberg, khẳng định rằng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) thúc đẩy tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, EU đã tránh bình luận về quyết định của Meta tại Mỹ, một động thái mà các chuyên gia lo ngại có thể tạo điều kiện để lan truyền thông tin sai lệch.Ủy ban nhấn mạnh DSA không quy định nội dung nào được phép đăng tải, mà chỉ yêu cầu các nền tảng tuân thủ luật pháp quốc gia hiện hành.

Mặc dù việc sử dụng các tổ chức kiểm chứng thông tin độc lập không phải là bắt buộc, đó là một trong những cách thức để các công ty đáp ứng nghĩa vụ của mình trong giải quyết thông tin sai lệch.

EU cũng im lặng đối với các phát ngôn của ông Musk, người đã chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu và đang ủng hộ đảng cực hữu AfD tại Đức. Bà Paula Pinho, người phát ngôn chính của Chủ tịch EU Ursula von der Leyen, cho rằng sự im lặng này là một "lựa chọn chính trị vào thời điểm hiện tại để không làm gia tăng thêm cuộc tranh luận."

Brussels đã công nhận quyền tự do ngôn luận của ông Musk, nhưng vẫn theo dõi chặt chẽ cuộc trò chuyện trực tiếp dự kiến của ông với đảng AfD để đảm bảo việc sử dụng thuật toán của X là công bằng.

Trước đó, EU đã mở một cuộc điều tra đối với X theo đạo luật DSA vào tháng 12/2023 về cách nền tảng này giải quyết vấn đề nội dung bất hợp pháp và thao túng thông tin. Nhưng tới hiện tại, EU vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức nào khi việc chứng minh các vi phạm là rất khó.Sự do dự này không chỉ giới hạn ở Meta hay X.

Apple cũng đối mặt với nguy cơ bị phạt theo DSA vào khoảng thời gian bầu cử ở Mỹ, nhưng hình phạt vẫn chưa được đưa ra.Theo các nguồn thạo tin, phía EU đã đóng băng các kế hoạch xử phạt này do lo ngại về tác động đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời ông Trump.

Điều này trái ngược với cách EU xử lý các công ty ngoài Mỹ, bao gồm cuộc điều tra vào tháng 12/2024 đối với TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance Trung Quốc. Phía EU cáo buộc nền tảng đã được sử dụng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Romania vào năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-ong-lon-cong-nghe-my-tang-ap-luc-buoc-eu-han-che-giam-sat-post1006631.vnp