Các ông lớn đua bán chốt lời, vì sao giá vàng vẫn tăng mạnh?

Giá vàng trong nước tăng vọt lên đỉnh cao lịch sử 81 triệu đồng rồi bất ngờ lao dốc trước khi tăng nhanh trở lại. Nhiều cảnh báo về áp lực chốt lời cùng với giá vàng SJC chênh quá cao so với thế giới có thể gây rủi ro lớn cho người mua vào.

Tăng vọt trở lại

Sáng 4/3, thị trường vàng trong nước nóng rực trở lại khi giá vàng đảo chiều tăng 300.000-400.000 đồng mỗi lượng sau khi lao dốc từ đỉnh cao vào cuối tuần trước.

Tính tới 11h, giá vàng SJC ghi nhận ở mức 80,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn vẫn neo cao ở mức cao kỷ lục: sát 68 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC đang cao hơn vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cũng cao hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng.

Đây là mức chênh cao lịch sử đối với vàng nhẫn và gần kỷ lục đối với vàng miếng SJC, tiềm ẩn rủi ro thua lỗ/thua thiệt cho những người đầu tư, mua vàng để tiết kiệm ở thị trường trong nước.

Rủi ro càng tăng cao khi gần đây, Chính phủ đang thúc đẩy việc quản lý thị trường vàng. Trong phiên họp thường kỳ hôm 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm trình sửa đổi nghị định về quản lý thị trường vàng.

Trước đó, NHNN đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng và có các giải pháp về quản lý thị trường vàng trong quý I.

Với mức chênh giá thế giới lên tới 18 triệu đồng/lượng, nếu nguồn cung vàng được cải thiện, các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng và vàng miếng SJC không còn là thương hiệu quốc gia độc quyền thì giá vàng miếng SJC có thể giảm mạnh. Giá vàng nhẫn cũng có thể giảm sâu.

Giá vàng vẫn xu hướng đi lên. Ảnh: Nguyễn Huế

Giá vàng vẫn xu hướng đi lên. Ảnh: Nguyễn Huế

Thực tế cho thấy, nỗi lo giá vàng trong nước quay đầu giảm đã nhen nhóm trở lại. Sau khi lên đỉnh lịch sử 81 triệu đồng/lượng vào ngày 2/3, giá vàng đã quay đầu giảm rất nhanh, về ngưỡng 80,2 triệu đồng/lượng vào cuối tuần.

Nhiều người cũng lo ngại về cảnh báo một làn sóng bán chốt lời trên thị trường quốc tế khi giá vàng thế giới cũng ở mức cao lịch sử mọi thời đại: 2.080 USD/ounce. Nhiều quỹ ETF vàng chốt lời rất mạnh trong 1-2 tháng qua.

Tuy nhiên, thực tế là sức cầu đối với vàng tại thị trường trong nước có tín hiệu mạnh, trong khi nguồn cũng vẫn chưa được cải thiện do chờ chính sách mới. Các doanh nghiệp vẫn đẩy giá vàng đi lên, đồng thời kéo chênh lệch giá mua - bán rộng ra để đảm bảo an toàn.

Việc dòng tiền dịch chuyển sang vàng nhẫn, đẩy giá mặt hàng này lên đỉnh cao lịch sử 68 triệu đồng/lượng cho thấy điều này. Chỉ sau 2 tuần kể từ ngày vía Thần Tài, giá vàng nhẫn đã tăng thêm hơn 2 triệu đồng/lượng.

Rủi ro vàng miếng SJC, vàng nhẫn lao dốc có lớn?

Biến động giá vàng trước tiên phụ thuộc vào giá vàng trên thế giới. Sau đó là chính sách quản lý thị trường vàng trong nước.

Trên thế giới, giá vàng thực tế chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí còn lên sát đỉnh cao lịch sử. Tới 11h20 ngày 4/3, giá vàng giao ngay ở mức 2.081 USD/ounce, chỉ còn thấp hơn khoảng 10 USD so với đỉnh cao mọi thời đại.

Giá vàng thế giới hiện chịu áp lực từ một số yếu tố, trong đó có sự chần chừ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc đảo chiều chính sách tiền tệ, từ thắt chặt sang nới lỏng, giảm lãi suất điều hành từ đỉnh cao kỷ lục 22 năm, ở mức 5,25-5,5%/năm.

Gần đây, có nhiều chuyên gia dự báo, Fed sẽ không giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, thậm chí Fed “có thể không hạ lãi suất năm nay”. Điều này ngay lập tức giữ cho đồng USD ở mức cao, qua đó gây áp lực lên vàng.

Trên AFR, Torsten Slok - nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management cho rằng, Fed có thể sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm 2024 vì “kinh tế Mỹ đang tăng tốc trở lại và lạm phát còn dai dẳng ở mức cao”.

Theo chuyên gia này, Fed dành phần lớn thời gian của năm nay để chống lạm phát.

Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng khẳng định Fed muốn có thêm dữ liệu chắc chắn hơn về việc việc lạm phát đang hướng về mục tiêu 2%.

Như vậy, khả năng Fed đảo chiều chính sách tiền tệ đang xa dần, từ kỳ vọng giảm lãi suất trong tháng 3, sang tháng 5, rồi tháng 6 và giờ có thể là sang năm 2025. Nó khiến đồng USD mạnh mẽ, và vàng chịu áp lực bán ra.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều quỹ ETF vàng bán ra mặt hàng này rất mạnh.

Tuy nhiên, giá vàng thế giới không giảm, mà đang hướng tới một kỷ lục cao mới. Các nước vẫn mua vào mặt hàng này rất nhiều trong các tháng vừa qua, sau khi mua ròng kỷ lục vào các năm 2021, 2022 và 2023.

Nhu cầu trú bão của các dòng tiền rất lớn. Vàng vẫn được xem là một lựa chọn hàng đầu.

Hơn thế, trong phần lớn dự báo, vàng đang ở chân một con sóng tăng giá khi Fed sắp bước vào chu kỳ giảm lãi suất khá dài và mạnh. Đồng USD sẽ suy yếu và vàng sẽ tăng mạnh. Triển vọng tươi sáng khiến giá vàng vẫn đi lên dù không ít tổ chức ghi nhận lợi nhuận và chốt lời.

Một số dự báo vàng có thể lên mức 2.200-2.400 USD/ounce trong năm 2024, thậm chí 3.000 USD/ounce.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - cho rằng, giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới hơn, nhất là khi cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp ổn định thị trường. Dù vậy, nhiều người vẫn tin tưởng vào vàng về dài hạn và có thể mua vào khi giá vàng dần giảm theo những biện pháp can thiệp của NHNN.

Vàng còn phụ thuộc vào tỷ giá USD/VND. Gần đây, tỷ giá tăng mạnh trên thị trường ngân hàng và tự do. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá có thể có xu hướng tăng trong nửa đầu năm, rồi hạ nhiệt vào cuối năm.

Tỷ giá USD/VND có thể sẽ ổn định hơn vào cuối năm, nhưng khi Fed hạ lãi suất, thì giá vàng thế giới sẽ tăng lên nhanh chóng. Xu hướng chung với thị trường vàng có lẽ vẫn khá tươi sáng trong nửa cuối năm 2024 và trong năm 2025, dù ở hoàn cảnh nào.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-ong-lon-dua-ban-chot-loi-vi-sao-gia-vang-van-tang-manh-2255739.html