Các 'ông lớn' F&B tranh nhau bán dưới lề đường

Một số chuỗi ẩm thực lớn đang tìm đến mô hình ki-ốt và xe lưu động để thử nghiệm bán take-away, nhằm giảm bớt chi phí mà vẫn có thể tăng nhận diện thương hiệu và doanh số.

Cứ khoảng 7-9h sáng mỗi ngày, quầy cà phê nhỏ trước cửa Highlands Coffee tại giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) phục vụ cà phê đen và cà phê sữa với mức giá 29.000 đồng/cốc. Ki-ốt này đã được duy trì từ tháng 10/2019 đến nay, thu hút lượng lớn khách hàng mua mang đi (take-away) khi không cần mất nhiều thời gian gửi xe và chờ đợi tại quán.

Thậm chí mới đây, thương hiệu này còn triển khai mô hình xe đẩy di động chỉ phục vụ mang đi và đặt trước các tòa nhà lớn. Các món nước tại đây có giá thấp hơn trong cửa hàng và được phục vụ nhanh chóng hơn.

JLL đánh giá, ranh giới giữa việc dùng bữa tại quán hay lề đường đang ngày càng mỏng manh.

Chi phí đầu tư thấp, doanh thu ổn định

Sau Highlands Coffee, lần lượt một số tên tuổi lớn khác trong ngành F&B như McDonald's hay Otoke Chicken cũng mở ki-ốt nhỏ bên ngoài các chi nhánh, nhằm phục vụ đối tượng khách hàng ưa tiện lợi.

Thậm chí, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) dù không sở hữu quán cà phê nào cũng mở xe đẩy ngay trước cổng trụ sở ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Mỗi ly cà phê take-away có giá 12.000-14.000 đồng. Ngay từ giai đoạn mới triển khai, ki-ốt này đã bán ra 50-60 ly cà phê mỗi sáng dù được đặt tại con đường không quá đông xe cộ qua lại.

"Nửa năm trở lại đây, tôi chuyển hẳn sang mua cà phê sáng từ ki-ốt của các thương hiệu lớn để đem lên văn phòng, thay vì mua lề đường như trước đây. Giá cả không chênh lệch là bao, nhưng bù lại tôi thấy tin tưởng hơn, trong khi nếu vào quán của họ thì vừa mất thời gian, vừa ngại vấn đề đông đúc, lây nhiễm virus", Hoàng Linh (24 tuổi), một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Gò Vấp, chia sẻ.

 Chuỗi cà phê Ông Bầu hiện sở hữu 39 điểm bán theo mô hình xe cà phê take-away. Ảnh: OB.

Chuỗi cà phê Ông Bầu hiện sở hữu 39 điểm bán theo mô hình xe cà phê take-away. Ảnh: OB.

Phổ biến nhất với mô hình này là chuỗi cà phê Ông Bầu. Hoạt động theo hình thức nhượng quyền với sự linh hoạt về quy mô từng cửa hàng, hệ thống hiện có 39 điểm bán take-away trên tổng số gần 150 chi nhánh. Những xe cà phê này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ…

Đối tượng khách hàng chính là nhân viên văn phòng, lao động phổ thông và sinh viên, chủ yếu là giới trẻ, những người không có nhiều thời gian thưởng thức cà phê tại quán mà có xu hướng mua mang đến nơi làm việc, học tập.

Theo đại diện doanh nghiệp, mô hình xe cà phê take-away không chỉ đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay, mà còn là phương tiện và hình thức kinh doanh hiệu quả.

Cụ thể, trọn gói mô hình này tại Ông Bầu, đã bao gồm thiết bị máy móc, chỉ tốn 108 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mô hình quán cố định truyền thống với mức chi phí đầu tư trên 800 triệu đồng. Đổi lại, doanh thu trung bình có thể đạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hệ thống cũng kết hợp với các đối tác khác để chia sẻ mặt bằng kinh doanh, như chuỗi nhà hàng Ba Gác, chuỗi cắt tóc 30Shine. "Đây là mô hình chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt, tận dụng những mặt bằng trống trong khung giờ sáng, chiều, chia sẻ chi phí mặt bằng trong mùa Covid-19", vị doanh nghiệp nói thêm.

Cơ hội mở rộng đối tượng khách hàng

Báo cáo mới đây của JLL đánh giá mô hình ki-ốt và xe lưu động bán hàng take-away là phương án ngắn hạn để các doanh nghiệp F&B thử nghiệm các phân khúc thị trường mới cũng như gia tăng độ nhận diện thương hiệu. Trong khi đó, chi phí mặt bằng, nhân viên và vận hành cũng được cắt giảm.

Thậm chí, từ xu hướng này, JLL cho rằng những người chủ ưa sáng tạo với ý tưởng mới mẻ và ngân sách hạn chế cũng có thể áp dụng mô hình này để thử thị hiếu của thực khách trước, mà không cần bỏ ra các loại chi phí truyền thống cho đến khi sẵn sàng mở nhà hàng.

"Xe thực phẩm lưu động ngày nay đánh tan định kiến đồ ăn lề đường kém an toàn thực phẩm",

Bà Trang Bùi - Giám đốc thị trường tại JLL Việt Nam

Đặc biệt, so với hàng rong, mô hình này cũng chiếm nhiều ưu thế hơn.

"Xe thực phẩm lưu động ngày nay cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao hơn và là những sản phẩm địa phương, giúp đánh tan định kiến đồ ăn lề đường kém an toàn thực phẩm.

"Dần dần chúng trở thành một cảnh tượng quen thuộc trên các con phố, trong trung tâm mua sắm và tại các lễ hội, thu hút một thế hệ người tiêu dùng yêu thực phẩm mới. Thành công của mô hình này đang thúc đẩy những thương hiệu khác làm theo để kéo thêm khách hàng mới", bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường tại JLL Việt Nam nhận định.

Chuyên gia JLL dự đoán đây sẽ là xu hướng mới cho ngành ẩm thực Việt Nam, như các thị trường trưởng thành hơn trong khu vực.

Gần nhất, chia sẻ với Zing, đại diện chuỗi trà sữa Meet & More cũng cho biết đang triển khai nhượng quyền mô hình xe đẩy trà sữa. Hình thức kinh doanh này nhằm đón đầu hành vi tiêu dùng mới của thị trường và xu hướng khởi nghiệp của người trẻ, đặc biệt là đối tượng sinh viên mới ra trường.

Tuy nhiên, về lâu dài, để tiếp tục cạnh tranh với các nhà hàng truyền thống, JLL cho rằng mô hình ki-ốt, xe lưu động cần liên tục nâng cấp chất lượng sản phẩm, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tận dụng tính linh hoạt thuận tiện của mô hình này để tạo ra những ý tưởng mới nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-ong-lon-f-b-tranh-nhau-ban-duoi-le-duong-post1159891.html