Các ông lớn ngành hàng không đang chia phần như thế nào?
Thông tin Bamboo Airways vừa được Bộ GTVT đồng ý chủ trương tăng đội máy bay lên 30 chiếc vào năm 2023 đã 'châm ngòi' cho cuộc chiến giành thị phần trên bầu trời Việt bắt đầu trở nên gay gắt hơn. Và khi có cạnh tranh lành mạnh, người hưởng lợi đầu tiên đều là người tiêu dùng.
Thông tin đáng chú ý gần đây nhất liên quan đến thị trường ngành hàng không là Bamboo Airways vừa được Bộ GTVT đồng ý chủ trương tăng đội máy bay lên 30 chiếc.
Theo các chuyên gia hàng không, quyết định trên của Bộ GTVT chắc chắn sẽ khiến sự cạnh tranh của thị trường hàng không sẽ trở lên cực kỳ khốc liệt.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030.
Với tốc độ tăng trưởng trên, tổng thị trường đến năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách; trong đó các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách - tương đương cần 340 chiếc máy bay của các hãng hoạt động vào năm 2023.
Hiện nay, thị phần ngành hàng không Việt lớn nhất thuộc về Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco) với 28 triệu lượt khách mỗi năm - chiếm 56% thị phần.
Rượt đuổi sát nút là sự lớn mạnh của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air với sản lượng vận chuyển trên 21 triệu lượt khách, chiếm 44% thị phần.
Trong khi đó, với sự gia nhập của "tân binh" Bamboo Airways và động thái mới của Bộ GTVT, không loại trừ khả năng "miếng bánh" thị phần sẽ phải chia lại trong vòng 5-10 năm tới.