Các ông 'trùm xây dựng' quy tụ tại ĐHCĐ, Xây dựng Hòa Bình đã qua sóng gió?
Nhiều đại diện doanh nghiệp xây dựng hàng đầu tại Việt Nam có mặt tại đại hội cổ đông của Xây dựng Hòa Bình (HBC) sau khi doanh nghiệp này gặp sóng gió nội bộ.
Chiều 27/6, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa trải qua rất nhiều khó khăn. Đó là tình trạng thua lỗ, nợ nần, xung đột nội bộ.
Ngay trước thềm ĐHCĐ, thành viên cuối cùng trong “phe đối lập” với ông Lê Viết Hải là ông Dương Văn Hùng đã xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập tại HBC hôm 26/6. Trước đó, các ông Nguyễn Công Phú, Lê Quốc Duy và ông Albert Antoine đều đã xin từ nhiệm.
Một điểm đặc biệt tại ĐHCĐ của Xây dựng Hòa Bình là có sự xuất hiện của các “ông trùm” ngành xây dựng, trong đó có cả "đối thủ", ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT của Công ty xây dựng Coteccons cũng góp mặt.
Coteccons gần đây vượt Xây dựng Hòa Bình và lấy lại ngôi đầu bảng nhà thầu xây dựng 2023.
Bên cạnh đó, ĐHCĐ của Xây dựng Hòa Bình còn có đại Công ty Xây dựng Central Cons - Chủ tịch HĐQT Trần Quang Tuấn; Đại diện Công ty CP Xây dựng An Phong - Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Đồng.
ĐHCĐ của HBC cũng có đại diện của các đối tác trong liên danh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.
Trong thông điệp gửi tới cổ đông, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải giãi bày: “Trong giông bão, Hòa Bình lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và dần ổn định để tiếp tục phát triển và khôi phục vị thế vốn có của mình.”
Theo ông Hải, Xây dựng Hòa Bình sẽ định giá lại tài sản của công ty mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại. Ông Hải cũng khẳng định giá trị tài sản hiện cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán.
Hiện nay các máy móc thiết bị này vẫn được khai thác thêm rất nhiều năm nữa. Theo báo cáo tài chính ngày 31/03/2023 tổng đầu tư máy móc thiết bị của Hòa Bình là 2.189 tỷ đồng, trên sổ sách đã khấu hao 1.344 tỷ đồng. Giá trị còn lại là 845 tỷ đồng. Giá trị đã khấu hao 1.344 tỷ đồng bao gồm rất nhiều máy móc thiết bị vẫn còn giá trị sử dụng cao nhưng trong sổ sách ghi nhận giá trị bằng 0 do đã quá 8 năm sử dụng. Trong khi đó so với thời giá nếu mua mới những thiết bị đó, do trượt giá sẽ cao hơn từ 30-60%.
Kết thúc cuộc họp, ĐHCĐ của Xây dựng Hòa Bình cũng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 12.000 đồng/cp trong năm nay, tương ứng với số vốn tối thiểu có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng.
HBC sẽ dùng số tiền này bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với các đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất) với tổng giá trị 1.050 tỷ đồng, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.
Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng.
Năm 2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Đại hội cũng đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông David Martin Ruiz, ông Albert Antoine và ông Dương Văn Hùng. Đồng thời, ông Lê Văn Nam, bà Vũ Thị Hòa và bà Nguyễn Thị Lượt đã được đại hội bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024.