Các phòng thí nghiệm, xét nghiệm Covid-19 tại nhiêu nước đang bị quá tải
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều nơi đã phải vật lộn với tình trạng quá tải ở các phòng thí nghiệm và thiếu thốn bộ dụng cụ xét nghiệm.
Trong tháng 3, Đức chỉ mới thực hiện được một nửa số ca xét nghiệm cần thiết.
Ở Anh, việc xét nghiệm có giới hạn phải đến tháng 5 mới chấm dứt đối với nhân viên y tế, bệnh nhân tại các bệnh viện và những người lao động trong các ngành nghề then chốt.
Tại Mỹ, sự thiếu hụt nhiều máy móc cần thiết cho việc xét nghiệm đã và đang gây ra tình trạng khó khăn kéo dài.
Giờ đây, khi các quốc gia mới ngừng đóng cửa và số ca nhiễm lại bắt đầu gia tăng, thì sự căng thẳng một lần nữa xuất hiện.
Mỹ tiến hành khoảng 800.000 cuộc kiểm tra mỗi ngày.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Harvard cho rằng đất nước này sẽ cần phải thực hiện 5 triệu lượt mỗi ngày để mở cửa trở lại một cách an toàn.
Quest Diagnostics và LabCorp, hai trong số những trung tâm xét nghiệm lớn nhất ở Mỹ, báo cáo rằng các phòng thí nghiệm quá tải đồng nghĩa với việc thời gian cho kết quả sẽ mất một, đôi khi là hai tuần, thay vì vài ngày.
Một kỹ thuật được phát triển vào những năm 1940 bởi Robert Dorfman, một nhà kinh tế học người Mỹ, có thể giúp giải quyết tình trạng này.
Dorfman đề xuất phương pháp này để thực hiện xét nghiệm hàng loạt bệnh giang mai ở binh lính.
Trên thực tế, kỹ thuật này khá đơn giản: gộp các mẫu lấy từ một số cá nhân lại với nhau và kiểm tra theo nhóm.
Lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: PA
Nếu kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì, thì không có thành viên nào nhiễm bệnh và chỉ cần thực hiện duy nhất một lần kiểm tra.
Chỉ khi mẫu nhóm cho kết quả dương tính mới cần kiểm tra cá nhân.
Phương pháp kiểm tra lấy mẫu theo nhóm đã được áp dụng tại Mỹ, Đức và Israel, sau đó đưa vào Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Singapore.
Sandra Ciesek tại Bệnh viện Đại học Frankfurt ở Đức, nói rằng nếu chỉ xét nghiệm riêng lẻ, bệnh viện của cô có thể phải xoay sở với khoảng 2.000 người mỗi tuần.
Hiện tại khối lượng xét nghiệm đã tăng lên gấp mười lần con số đó, tức là các xét nghiệm có thể được áp dụng cho mọi bệnh nhân nhập viện, vì bất kỳ lý do gì.
Việc kiểm tra các mẫu theo nhóm có những trở ngại nhất định.
Ở thời điểm hiện tại, các mẫu phải được dán nhãn thủ công, và quá trình này tốn rất nhiều thời gian.
Cũng có những lo ngại về việc mất độ nhạy có thể xảy ra do sự pha loãng nếu trộn lẫn quá nhiều mẫu với nhau.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Technion, trường đại học lâu đời nhất của Israel và Cơ sở chăm sóc sức khỏe Rambam ở Haifa, đã nói rằng họ có thể trộn tới 64 mẫu với nhau, nhưng đồng thời thừa nhận một hỗn hợp lớn như vậy sẽ khó quản lý và làm tăng rủi ro nhận kết quả âm tính giả.
Peter Iwen, giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng của Nebraska, đang sử dụng các xét nghiệm có độ nhạy cao và trong các nhóm không quá năm mẫu.
Ông nói: “Kết quả xét nghiệm không bao giờ chính xác 100%”.
"Chúng tôi cảm thấy rất tự tin rằng mình có thể cải thiện con số đó lên ít nhất 97% hoặc cao hơn."
Phòng thí nghiệm của ông là một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên ở Mỹ sử dụng phương pháp lấy mẫu theo nhóm, sau khi được thống đốc Nebraska chấp thuận vào tháng 3.
Vào ngày 18 tháng 7, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã ban hành ủy quyền khẩn cấp đầu tiên cho cả nước làm theo.
Bên cạnh yêu cầu độ nhạy cao, việc lấy mẫu theo nhóm sẽ đạt hiệu quả tối ưu khi tỷ lệ số ca nhiễm mới vẫn còn thấp.
Kết quả càng có khả năng dương tính thì phương pháp trên càng kém hiệu quả — vì các lô dương tính sau đó phải được kiểm tra riêng lẻ.
Do đó, kỹ thuật này có hiệu quả tốt nhất với những người không có triệu chứng, vì những người có triệu chứng thường cho kết quả dương tính nhiều hơn.
Nhưng ở những thời điểm bắt đầu và kết thúc các đợt bùng phát dịch bệnh, khi mà hầu hết người tham gia xét nghiệm thực sự không có triệu chứng, đây giống như một công cụ hiệu quả để tiết kiệm thời gian và kinh phí và có khả năng trở thành quy trình tiêu chuẩn.