Các phụ huynh, các ngành các cấp không thể đứng ngoài cuộc vấn đề 'Học thật, thi thật, nhân tài thật'.
Lần làm việc mới đây với Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề 'Học thật, thi thật, nhân tài thật'.
Lĩnh hội chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Thủ tướng đã nêu và chỉ đạo rất trúng về một thực trạng, một vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện tại”.
Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0,69, đứng thứ 38/174 nền kinh tế.
Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.
Kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy, chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016 - 2020 so với 27 Huy chương Vàng những năm 2011 - 2015…
Mặc dù đạt được thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện số đông toàn ngành đang học thật, thi thật, năng lực thật nhưng thực tế từ các cơ sở giáo dục cho thấy vẫn có nơi, có lúc, có người học chưa thật, thi chưa thật, năng lực chưa thật.
Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn tồn tại. Đâu đó vẫn có không ít thầy cô cho học sinh bài mẫu làm trước ở chỗ học thêm rồi bê nguyên đề đó lên lớp kiểm tra. Đâu đó trong các trường ĐH, nhất là hệ vừa làm vừa học, còn diễn ra việc học hộ, học thuê, thi hộ, làm luận án thuê, chạy điểm.
Tình trạng né trường này (vì dạy học kiểm tra đánh giá nghiêm túc) để vào trường kia (vì dạy học, kiểm tra đánh giá dễ dãi hơn) là có thật, nhất là ở đào tạo sau đại học. Câu chuyện bằng thật, học giả thỉnh thoảng vẫn cứ râm ran trên các diễn đàn, gây bức xúc dư luận.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ chuẩn bị để có kế hoạch cụ thể triển khai, toàn ngành theo đó sẽ quyết tâm thực hiện “Học thật, thi thật, nhân tài thật” bằng nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu này, nếu chỉ bằng sự nỗ lực, quyết tâm của riêng ngành Giáo dục là chưa đủ.
Trong câu chuyện dẫn đến “bệnh thành tích” trầm kha trong ngành nhiều năm qua có nguyên nhân lớn về mặt tâm lý, nhận thức, không chỉ của riêng giáo viên, cán bộ quản lý mà còn của cả phụ huynh, chính quyền địa phương.
Có không ít phụ huynh vẫn tìm cách chạy cho con lên lớp, xin điểm để con có học bạ đẹp. Có không ít lãnh đạo tỉnh/ huyện/ xã gây sức ép với ngành Giáo dục địa phương khi đối diện với những con số chưa như ý như tỷ lệ lên lớp, thi đỗ tốt nghiệp, thi học sinh giỏi…
Đặc biệt, hiện vẫn có không ít cơ quan, đơn vị khi tuyển dụng, dùng người, đánh giá người còn dựa vào bằng cấp, quan hệ, tiền tệ… mà chưa chú ý đến trình độ, năng lực thực chất.
Dù là biểu hiện thiểu số nhưng việc học không thật, thi không thật, nhân tài không thật lại ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh giáo dục, đạo đức xã hội và sâu xa hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Đảm bảo “Học thật, thi thật, nhân tài thật” trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành Giáo dục, nhưng toàn xã hội cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Sự đồng hành vì thực học của mỗi gia đình, chính quyền địa phương, đơn vị sử dụng lao động chắc chắn không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục, mà còn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong tương lai.