Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng thường được phát hiện khá muộn, do đó gây khó khăn trong điều trị. Chính vì thế, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.
1. Điều trị ung thư vòm họng như thế nào?
1.1 Xạ trị trong ung thư vòm họng
Tác dụng:Xạ trị là phương pháp cơ bản trong điều trị ung thư vòm họng do u nhạy cảm với xạ trị, gồm các phương pháp như xạ triệt căn, xạ củng cố, xạ vớt vát, xạ giảm nhẹ.
Tác dụng phụ:
- Biến chứng sớm: Nôn, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, thay đổi vị giác, viêm da do xạ trị (từ nhẹ đỏ da đến nặng loét hoại tử), viêm niêm mạc miệng, họng, thanh quản.
- Biến chứng muộn: Xơ cứng cổ, khít hàm, khô miệng, hoại tử xương, hoại tử thùy thái dương, ung thư thứ hai.
1.2. Phẫu thuật
Tác dụng: Phẫu thuật u vòm họng không phải là điều trị ưu tiên, do vị trí giải phẫu có liên quan gần với các cấu trúc mạch, thần kinh quan trọng. Phẫu thuật thường chỉ đặt ra với nạo vét hạch cổ nếu còn hạch tồn dư sau xạ trị hoặc tái phát hạch cổ đơn độc hoặc tái phát nhỏ khu trú tại vòm họng.
Tác dụng phụ: Có thể gây chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh, rò dịch não tủy…
1.3. Hóa trị
Tác dụng: Điều trị hóa chất giúp thu nhỏ khối u tạo thuận lợi cho xạ trị sau này. Điều trị kết hợp với xạ trị làm tăng nhạy cảm của tế bào u với tia xạ (hóa xạ đồng thời) và là điều trị chính trong giai đoạn di căn xa.
Các hóa chất thường dùng: Cisplatin, carboplatin...
Tác dụng phụ: Có thể gây phản vệ, sốt, đau cơ, tăng huyết áp, đau ngực, khó thở, nôn, buồn nôn, viêm miệng, nhiễm trùng vùng miệng, họng, tiêu chảy, hạ bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu, độc tính thần kinh, viêm gan, suy thận, Hội chứng bàn tay – bàn chân.
1.4. Điều trị đích
Tác dụng: Điều trị đích tác dụng còn chưa rõ ràng và vẫn đang được nghiên cứu. Các đơn chất gefitinib, erlotinib, sorafenib ít có tác dụng trong điều trị ung thư vòm di căn.
Tác dụng phụ: Tiêu chảy, kích ứng dạ dày, đau bụng, nôn buồn nôn, hội chứng bàn tay-bàn chân, viêm da.
Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là cần thiết cho bệnh nhân ung thư nói chung, nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
1.5. Điều trị miễn dịch
Tác dụng: Virus EBV xuất hiện chủ yếu trong các ung thư vòm họng kém biệt hóa và không biệt hóa. Các kháng nguyên bộc lộ virus trên tế bào u là các đích cho liệu pháp miễn dịch.
Hiện có 2 hướng đang được nghiên cứu:
- Liệu pháp miễn dịch thích ứng: Hoạt hóa trực tiếp các tế bào cảm ứng T-CD4 và T-CD8.
- Liệu pháp miễn dịch phản ứng: Sử dụng vaccine chống EBV để kích thích nhận diện kháng nguyên trên tế bào u bởi tế bào vật chủ.
Tác dụng phụ: Ít gặp, có thể viêm da, viêm gan, viêm phổi, bệnh lý cầu thận, viêm tuyến giáp…
2. Lưu ý khi điều trị ung thư vòm họng
Để việc điều trị đạt hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Khi có các dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Trong quá trình điều trị ung thư vòm họng, cơ thể phải chống lại các tế bào ung thư, những tác dụng phụ do hóa trị, xạ trị và tái tạo tế bào mới để thay thế những tế bào bị tổn thương.
Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư sẽ cao hơn bình thường để duy trì các chức năng cơ thể bình thường. Một chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp sẽ làm giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị và tăng tốc độ hồi phục.
- Tuyệt đối không ăn kiêng hoặc ăn sai cách: Bệnh nhân ung thư vòm họng gặp khó khăn hơn khi ăn bằng miệng, thường chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, sưng miệng/cổ họng, khô miệng, thay đổi khẩu vị và mệt mỏi. Những triệu chứng này đều do tác dụng phụ và bệnh tật gây ra. Vì vậy, ăn uống đúng cách sẽ giúp giảm bớt những dấu hiệu này.
- Bệnh nhân ung thư vòm họng nếu còn nuốt được thì nên ăn thức ăn mềm (cháo/súp, băm nhuyễn) ngay khi phát hiện bệnh để tránh làm tổn thương khối u hoặc tổ chức xung quanh; chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều (càng nhiều càng tốt bất cứ khi nào bạn muốn ăn và ăn ngon). Thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là cần thiết cho bệnh nhân ung thư nói chung, nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
- Tập luyện vừa phải: Vận động vùng cổ nhẹ nhàng và vận động khớp cắn thường xuyên để hạn chế xơ hóa vùng cổ và khít hàm sau này do tác dụng phụ của xạ trị.
- Giữ tinh thần thoải mái cũng giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.