Các phương pháp điều trị viêm nha chu

Viêm nha chu là tình trạng bệnh lý phổ biến của vùng răng miệng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên trở ra. Nếu không điều trị sớm đây sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất răng ở người lớn. Trẻ em cũng có thể mắc bệnh này nhưng ít gặp hơn với các triệu chứng viêm lợi, cao răng...

1. Viêm nha chu do đâu?

Viêm nha chu gồm viêm nướu và viêm nha chu phá hủy. Khi bị viêm, tình trạng nhiễm trùng bắt đầu từ nướu lan dần xuống các cấu trúc của mô nha chu bên dưới, làm nướu mất bám dính vào răng, xương ổ răng bị tiêu hủy và túi nha chu được thành lập.

Mảng bám cao răng là một trong những nguyên nhân gây viêm nha chu.

Mảng bám cao răng là một trong những nguyên nhân gây viêm nha chu.

Nguyên nhân gây viêm nha chu

Thói quen ăn uống không tốt, dùng đồ ăn có nhiều mảnh vụn, có tính acid cao hoặc hút quá nhiều thuốc lá; uống nhiều rượu bia cũng tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công nha chu.
Việc vệ sinh răng miệng không đảm bảo, không đúng cách khiến cho mảng bám cao răng phát triển. Những mảng bám này là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nha chu.
Bệnh viêm nha chu cũng có thể hình thành khi cơ thể bị rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn…

Biểu hiện của viêm nha chu:

Nướu (lợi) tấy đỏ, sưng và dễ bị chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng hoặc làm sạch kẽ răng rất dễ chảy máu.
Nướu tụt ra khỏi răng.
Hơi thở có mùi hôi.
Túi mủ hình thành giữa răng và nướu.
Răng bị lung lay hoặc cách xa các răng còn lại.
Sự thay đổi về sự khít sát nhau của các răng khi cắn.

Viêm nha chu diễn tiến thầm lặng, giai đoạn đầu thường không ảnh hưởng nhiều nên rất dễ bị bỏ qua không điều trị cho đến khi bệnh đã nặng.

Tác hại của viêm nha chu:

Nướu vùng chân răng bị tụt xuống làm hở chân răng, tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công gây ra những tình trạng bất lợi cho sức khỏe răng miệng, như: Sưng nướu, chảy máu chân răng, thậm chí có thể gây mất răng vĩnh viễn.
Gây đau kéo dài ở vùng thái dương, làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Gây ra các bệnh nguy hiểm về tim mạch, phổi hoặc đái tháo đường.
Làm răng suy yếu, giảm chức năng ăn nhai.
Có thể gây ra tình trạng sinh non ở phụ nữ mang thai.

2. Phương pháp điều trị viêm nha chu

Tùy theo từng giai đoạn bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

2.1 Viêm nha chu nhẹ

Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bệnh bằng các loại thuốc:

- Gel giảm đau, chống viêm chứa lidocaine: Giúp gây tê tại chỗ, ức chế tín hiệu đau. Khi sử dụng tại chỗ cho vùng nướu lợi hoặc niêm mạc miệng, hoạt chất lidocain được hấp thụ dựa trên mật độ mạch máu tại các khu vực này.

Thuốc dùng theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua về dùng. Một số trường hợp có thể gặp phải tác dụng phụ: Cảm giác bỏng rát hoặc tê nhẹ tại bề mặt da được thoa thuốc.

- Viên ngậm chứa lidocaine phối hợp với tyrothricin, cetrimonium: Đây là một trong những thuốc thường được bác sĩ chỉ định để chữa viêm nha chu. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng để điều trị bệnh viêm hầu họng, sưng nướu răng, nhiệt miệng.

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Kích ứng tại chỗ, nôn (đặc biệt khi sử dụng lúc đói hoặc liều cao).

Ngoài ra còn nhiều loại thuốc cho tác dụng trị các bệnh nhiễm trùng, kháng viêm giảm đau trong các bệnh răng miệng như kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc corticoid.

Ngoài thuốc điều trị, cần bổ sung thêm các loại vitamin C, E để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Các giai đoạn của viêm nha chu.

Các giai đoạn của viêm nha chu.

2.2 Viêm nha chu nặng

Với những người bệnh xuất hiện những túi nha chu (ổ mủ) sẽ áp dụng phương pháp điều trị khẩn cấp. Ổ mủ tuy chỉ là cơn cấp tính của viêm nha chu, nhưng nếu để ổ mủ tồn tại lâu sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mãn tính, khiến cấu trúc bảo vệ răng ngày càng lỏng lẻo.

Lúc này cần chỉnh sửa thay thế những miếng trám và phục hình răng không đúng kỹ thuật (nếu có), thậm chí có thể phải nhổ răng khi không thể giữ được và dùng thuốc điều trị chống viêm, chống nhiễm khuẩn.

Một số trường hợp có thể phải phẫu thuật nếu áp dụng các biện pháp điều trị thông thường nhưng không hiệu quả như:

- Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu.

- Phẫu thuật tái tạo: Các túi nha chu ngày càng sâu, chứa đựng nhiều vi khuẩn và tiêu hủy thêm nhiều xương và mô nha chu làm cho răng lung lay nhiều. Xương và mô nha chu bị phá hủy lại tạo thành túi nha chu xung quanh răng nhiều hơn. Sau phẫu thuật, một phần xương và mô nha chu có thể tái tạo trở lại.

- Phẫu thuật ghép mô mềm: Phẫu thuật ghép mô mềm sẽ phục hồi những hư hại và ngăn chặn sự tụt lợi tiếp tục dẫn đến sự phá hủy mô lợi và xương quanh răng.

Cách chăm sóc sau khi điều trị viêm nha chu

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Dùng chỉ nha khoa hoặc tăn nước... để làm sạch thức ăn giắt ở các kẽ răng.
Tránh hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các đồ ăn có tính axit cao.
Chải răng đúng phương pháp, không chải răng bằng phương pháp chải ngang vì khó làm sạch được các mảng bám ở viền nướu, khe răng và dễ gây hại nướu và răng. Nên dùng bàn chải lông mềm, chải nhẹ nhàng theo 1 góc khoảng 45 độ.
Lấy cao răng, làm sạch khoang miệng vì nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm nha chu là các mảng bám trên răng không được sạch.

BS.Nguyễn Minh Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-viem-nha-chu-169230302121510826.htm