Các phương pháp và thuốc điều trị hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ là một trong những vấn đề về bệnh van tim phổ biến và nghiêm trọng nhất. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, chính xác là rất quan trọng.

Hẹp van động mạch chủ là một bệnh lý xảy ra khi cửa van động mạch chủ không mở ra hoàn toàn, khiến cho lỗ mở giữa tâm thất trái và động mạch chủ bị thu hẹp. Lúc này, tim sẽ phải hoạt động vất vả hơn để bơm máu thông qua lỗ nhỏ hơn, khiến cho buồng thất giãn ra, thành thất dày hơn và tim bị yếu đi.

Hẹp van động mạch chủ có thể là tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm: Phù phổi, tim to, suy tim, nhịp tim bất thường.

1. Các thuốc điều trị hẹp van động mạch chủ

Điều trị nội khoa hẹp van động mạch chủ thường áp dụng cho những bệnh nhân có biến chứng, giúp giảm các triệu chứng như đau ngực, khó thở...

Hình ảnh van động mạch chủ bình thường và hẹp van động mạch.

Hình ảnh van động mạch chủ bình thường và hẹp van động mạch.

Các thuốc này bao gồm:

1.1 Thuốc chẹn beta

- Tác dụng: Bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ thường bị tăng huyết áp đi kèm. Điều trị hạ huyết áp bằng thuốc chẹn beta thường bị tránh vì sợ ức chế chức năng thất trái. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có triệu chứng chủ yếu là đau thắt ngực, việc sử dụng thuốc chẹn beta lại khá an toàn. Các thuốc thường dùng bao gồm: Esmolol, metoprolol...

Tác dụng phụ thường gặp là: Mệt mỏi, chóng mặt hoặc choáng váng, ngón tay hoặc ngón chân lạnh, khó ngủ hoặc gặp ác mộng.

1.2 Digoxin

- Tác dụng: Bệnh nhân bị hẹp động mạch chủ có tình trạng sung huyết phổi có thể được điều trị bằng digoxin. Digoxin cũng được sử dụng như một tác nhân tăng co bóp để kiểm soát nhịp thất ở bệnh nhân bị rung nhĩ.

- Tác dụng phụ có thể gặp như chán ăn, buồn nôn, nôn, lú lẫn, các vấn đề về thị lực, rối loạn nhịp và dẫn truyền.

- Lưu ý: Không nên sử dụng digoxin cho những bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ nặng và nhịp xoang.

1.3 Thuốc lợi tiểu

- Tác dụng: Bệnh nhân bị suy tim không kiểm soát được trong hẹp van động mạch chủ nên được điều trị hỗ trợ bằng thuốc lợi tiểu quai. Thuốc giúp giảm lượng chất lỏng trong cơ thể và giảm căng thẳng cho tim. Các thuốc thường dùng: Furosemide, bumetanide...

- Tác dụng phụ không phổ biến khi sử dụng liều thấp thông thường. Liều càng cao, nguy cơ phát triển tác dụng phụ càng lớn. Các tác dụng phụ phổ biến hoặc nghiêm trọng có thể bao gồm: Đau bụng, hạ huyết áp, hạ kali, natri, magiê trong máu và tăng canxi. Nếu bị đái tháo đường hoặc bệnh gout, các tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn do thuốc lợi tiểu.

1.4 Thuốc ức chế men chuyển (ACE)

- Tác dụng: Thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị huyết áp cao và suy tim, gồm captopril, enalapril, lisinopril, perindopril...

- Tác dụng phụ thường gặp nhất liên quan đến thuốc ức chế ACE thường không đáng kể, nhưng phổ biến là ho khan dai dẳng.

- Lưu ý: Một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc ức chế men chuyển, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc lợi tiểu và lithium. Nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc khác đang dùng để có lựa chọn đúng trong việc dùng thuốc..

1.5 Thuốc chống đông

- Tác dụng: Điều trị bằng warfarin thường được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ và rung nhĩ để giảm tỷ lệ đột quỵ và thuyên tắc động mạch toàn thân. Warfarin cũng là thuốc được lựa chọn ở những bệnh nhân thay van động mạch chủ.

- Tác dụng phụ nghiêm trọng là chảy máu nhiều. Bệnh nhân được điều trị bằng wafarin cần được đánh giá cẩn thận về nguy cơ té ngã có thể dẫn đến chảy máu đáng kể, quan trọng nhất là xuất huyết nội sọ.

1.6 Kháng sinh

Dự phòng bằng kháng sinh để phòng ngừa viêm nội tâm mạc do vi khuẩn không còn được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ.

2. Phẫu thuật điều trị hẹp van động mạch chủ

Có ba thủ thuật phẫu thuật chính để điều trị hẹp van động mạch chủ:

2.1 Thay van động mạch chủ (AVR)

AVR là phương pháp điều trị phổ biến cho tình trạng hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng. Trong quá trình phẫu thuật tim hở này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ van động mạch chủ bị hỏng và thay thế bằng van nhân tạo. Các lựa chọn thay thế van nhân tạo bao gồm van cơ học hoặc van làm từ mô người, bò hoặc lợn.

2.2 Cấy ghép van động mạch chủ qua ống thông (TAVI)

TAVI hay còn gọi là thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR), là một thủ thuật liên quan đến việc đưa một van mới vào bên trong van bị hỏng. TAVI ít xâm lấn hơn phẫu thuật tim hở, thường là một lựa chọn cho những bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng, bao gồm cả những người có nguy cơ cao hoặc không đủ điều kiện để phẫu thuật tim hở.

Việc chẩn đoán và điều trị hẹp van động mạch chủ kịp thời, chính xác là điều rất quan trọng.

Việc chẩn đoán và điều trị hẹp van động mạch chủ kịp thời, chính xác là điều rất quan trọng.

2.3 Nong van bằng bóng

Nong van bằng bóng là một thủ thuật kéo giãn và mở rộng van để cải thiện lưu lượng máu vào động mạch chủ. Đây là biện pháp tạm thời hoặc để làm giảm các triệu chứng khi không có các lựa chọn khác. Có thể cần phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác sau này.

3. Lưu ý khi điều trị hẹp van động mạch chủ

Để điều trị hẹp van động mạch chủ an toàn, hiệu quả, người bệnh cần thực hiện:

- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc và khuyến nghị về lối sống nếu người bệnh mắc bất kỳ tình trạng nào sau đây: Tăng huyết áp, tăng mỡ máu, béo phì...

- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch và tinh thần.

- Có mối liên hệ giữa viêm nướu và tình trạng viêm tim (viêm nội tâm mạc). Hẹp động mạch chủ có thể làm tăng nguy cơ này, vì vậy việc chăm sóc răng miệng và kiểm tra sức khỏe hàng ngày là rất quan trọng.

- Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi đang điều trị, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời.

10 lời khuyên của bác sĩ giúp phòng bệnh tim mạch hiệu quả | SKĐS

DS.Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-va-thuoc-dieu-tri-hep-van-dong-mach-chu-169241228072043413.htm