Các quốc gia châu Á chung tay hành động quyết liệt ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo trang SCMP, nhu cầu năng lượng tại các quốc gia châu Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai và nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ gặp khó khăn trong tương lai.
Thận trọng trước diễn biến thời tiết
Những đợt nắng nóng kéo dài cao điểm hay diễn biến lũ quét phá hủy nhà cửa và đẩy giá lương thực tăng cao, đã gây ra một mùa hè khắc nghiệt trên khắp châu Á. Hai quốc gia như Ấn Độ và Indonesia đã trải qua mùa hè nắng nóng khắc nghiệt trong năm nay và ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.
Trước diễn biến nắng nóng và biến đổi khí hậu diễn ra, các nhà lãnh đạo hai nước này đều bày tỏ thận trọng.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên tiếng sẽ có động thái giảm lạm phát toàn cầu. Sau khi Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước khiến giá quốc tế tăng mạnh lên mức cao nhất trong 15 năm, New Delhi đã áp dụng thuế xuất khẩu 40% đối với hành tây. Bên cạnh đó, Jakarta cũng đã chi một khoản tiền khổng lồ để bình ổn giá cả và tăng cường an ninh lương thực quốc gia.
Theo các nhà quan sát, những hành động của các nước chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia là chưa đủ. Họ cho rằng phải có phản ứng hợp tác đa quốc gia trong khu vực mới có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Trong tháng 7, nhóm làm việc về chuyển đổi năng lượng của hội nghị thượng đỉnh G-20 đã không đạt được thỏa thuận chung về vấn đề này, thay vào đó lại khiến các nhà nghiên cứu khí hậu thất vọng vì sự mơ hồ trong nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Kể từ thời điểm đó, giá dầu thô đã tăng lên 85 USD/thùng từ mức 72 USD hồi tháng 6, gây khó khăn cho người tiêu dùng toàn cầu. May mắn thay, các nhà lãnh đạo khu vực có thể sẽ đưa ra cách tiếp cận mới cũng như giải quyết vấn đề tồn tại này tại cuộc họp cấp bộ trưởng G20 ở Delhi vào tháng tới.
Trong một báo cáo, Viện Phát triển Bền vững Quốc tế cho biết các thành viên G20 đã chi kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD về sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022. Điều này vẽ ra một bức tranh ảm đạm về một thế giới chịu hệ lụy nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu
Ấn Độ và Trung Quốc cùng có những quan điểm chung trong cuộc họp của khối các nền kinh tế mới nổi lớn BRICS ở Nam Phi tuần trước. Điều này có thể mở đường cho sự chuyển đổi phối hợp, suôn sẻ hơn sang năng lượng sạch trong khu vực. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất năng lượng tái tạo, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết chương trình năng lượng xanh của Ấn Độ đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác.
Nhu cầu năng lượng của châu Á dự kiến sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới, nhưng các nhà quan sát cho rằng con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có những quy định mới mẻ về các dạng năng lượng mới.
Liên minh Châu Âu gần đây đã đề xuất áp thuế carbon đối với hàng hóa được sản xuất ở các quốc gia có cơ chế định giá carbon kém hơn.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có phản ứng trước điều này vì việc áp thuế carbon có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như của các quốc gia mới nổi khác trở nên kém cạnh tranh.
"Chúng ta cần cân bằng trong nỗ lực định giá lượng khí thải carbon. Đây là chính sách quan trọng cần có trước khi quá trình phát triển hydrogen xanh thực sự mở rộng quy mô", ông Tim Buckley, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Tài chính Năng lượng Khí hậu cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh các quốc gia phương Tây có thể chia sẻ công nghệ xanh với các quốc gia mới nổi. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể trở thành nhà hỗ trợ công nghệ. Vì mọi quốc gia đều có thể bị ảnh hưởng bởi các kiểu thời tiết khắc nghiệt nên việc chia sẻ tài nguyên trong khu vực có thể là vô giá.
Trong bài phát biểu năm 1985 trước Quốc hội Mỹ về biến đổi khí hậu, nhà vật lý thiên văn Carl Sagan từng kêu gọi các quốc gia phải chuẩn bị cho quá trình trao đổi lợi ích, cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu hiện nay.
Vì vậy, sau đợt nắng nóng kỷ lục năm nay, giới quan sát cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Á phải lưu ý đến cảnh báo này và cùng nhau đi đến hợp tác trên một nền tảng chung ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu khắc nghiệt trong thời gian tới./.