Các quốc gia có đo huyết áp trước khi tiêm vaccine Covid-19?

Bảng sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 tại Anh, Mỹ, không đề cập chỉ số huyết áp. Tuy nhiên, tại một số nơi, đây là chỉ số quan trọng.

Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng khi sàng lọc tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam. Nhiều người bị huyết áp cao buộc phải hoãn tiêm hoặc chỉ định tiêm chủng ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Nhóm huyết áp thấp cũng cần theo dõi kỹ trước tiêm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đo huyết áp khi sàng lọc tiêm vaccine Covid-19 là không cần thiết, gây mất thời gian và thậm chí tạo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Trên thế giới, vấn đề này cũng nhiều lần tranh luận ở các quốc gia.

Không có quy tắc chung

Hiện tại, tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đưa ra hướng dẫn cụ thể hay bắt buộc về các danh sách yêu cầu cần sàng lọc trước tiêm vaccine. Tổ chức này đưa ra nhóm người nên và không nên tiêm một loại vaccine Covid-19 cụ thể, từ đó, các quốc gia căn cứ vào điều này và lập thành bảng sàng lọc phù hợp.

Tại Trung Quốc, theo Global Times, các địa điểm tiêm chủng đều bố trí riêng phòng đo huyết áp, theo dõi chỉ số này trước khi tiêm vaccine Covid-19. Người dân cũng được đo thân nhiệt, hỏi về tiền sử điều trị bệnh, thuốc đang uống hoặc tình trạng sức khỏe khác.

Các trường hợp đã tiêm vaccine khác trong vòng 28 ngày, phụ nữ mang thai và người bị bệnh tim và huyết áp cao phải trì hoãn tiêm.

Philippines căn cứ chỉ số huyết áp để quyết định tiêm hay không cho người dân. Hiệp hội Tim mạch Philippines (PHA) yêu cầu hoãn tiêm với những người có huyết áp vượt quá mức 180/120 mmhg. Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Philippines (PHA) cũng cho biết huyết áp không nên là yếu tố trở ngại trong việc tiêm chủng vaccine của người dân, trừ khi chỉ số của họ vượt mức nói trên.

PHA cũng khuyến khích người bị tăng huyết áp, bệnh về tim mạch khác nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Theo Inquirer, giới chức nước này cũng khuyến cáo người dân không nên uống cà phê, hút thuốc trước ngày tiêm để tránh hiện tượng tăng/giảm huyết áp đột ngột trong lúc khám sàng lọc, mất đi cơ hội tiêm chủng.

 Một người dân tại Trung Quốc được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Xinhua.

Một người dân tại Trung Quốc được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Xinhua.

Tại Ấn Độ, việc đo huyết áp trước tiêm hay không cũng từng là vấn đề gây tranh luận. Các bệnh viện thuộc nhà nước yêu cầu sàng lọc sức khỏe cho người dân với các chỉ số sự sống là huyết áp, nhiệt độ cơ thể và nồng độ oxy. Căn cứ vào 3 chỉ số này, nếu người dân không đạt yêu cầu, họ buộc phải theo dõi hoặc hoãn tiêm.

Tuy nhiên, các phòng khám, bệnh viện tư không đo huyết áp, thân nhiệt, SpO2 khi người dân đến tiêm vaccine Covid-19.

The News Minute dẫn lời tiến sĩ Sanjeev Singh Yadav, Thư ký Hiệp hội Y khoa Ấn Độ cho hay việc kiểm tra các thông số sự sống trước khi tiêm vaccine cho người dân là rất quan trọng.

"Bất kỳ mũi tiêm nào nếu chỉ đo đường huyết, huyết áp cũng chưa đủ. Đây chỉ là các yếu tố tối thiểu. Chúng ta cần test dị ứng cho người dân, kiểm tra mạch, thân nhiệt. Các thông số sẽ cung cấp đầy đủ hơn về tình trạng bệnh nhân và giúp bác sĩ hiểu rõ về sức khỏe của họ".

Song, trái ngược với quan điểm trên, tiến sĩ Venkat Ramesh, chuyên gia Tư vấn Bệnh Truyền nhiễm tại Bệnh viện Apollo, phản bác việc kiểm tra sự sống trước tiêm vaccine là không cần thiết.

"Chúng ta cần tiêm chủng cho càng nhiều người trong thời gian ngắn nhất. Điều này đòi hỏi phải lược bỏ những thủ tục không cần thiết. Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn trước tiêm vaccine không mang lại lợi ích gì. Đây là một sự lãng phí thời gian và nguồn lực không cần thiết. Nếu người dân có khiếu nại về y tế, họ nên được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn, tư vấn. Hiện tại, không có hướng dẫn hoặc cơ quan quốc tế đề cập đến những dấu hiệu sinh tồn này trước tiêm vaccine Covid-19", vị chuyên gia thẳng thắn.

Trên thực tế, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP), thuộc CDC cũng không đề cập việc bắt buộc kiểm tra SpO2, đo huyết áp, thân nhiệt trước tiêm vaccine Covid-19. Hướng dẫn của Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình của Ấn Độ cũng không nói đến việc này.

Do đó, vấn đề trên được nêu lên tại Ấn Độ vào tháng 3, tuy nhiên, cũng không có sự thay đổi.

 Đo huyết áp trước tiêm vaccine Covid-19 đã từng gây tranh luận tại Ấn Độ. Ảnh minh họa: NPR.

Đo huyết áp trước tiêm vaccine Covid-19 đã từng gây tranh luận tại Ấn Độ. Ảnh minh họa: NPR.

Tập trung vào tiền sử dị ứng, bệnh hoặc thuốc đang điều trị

Dù không có bản thống nhất từ WHO, cơ quan y tế của các quốc gia hầu hết đều có nhiều điểm chung trong bảng khám sàng lọc.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) yêu cầu nhân viên y tế kiểm tra các thông tin cơ bản của người têm gồm: Tên, tuổi, có bị ốm không, từng tiêm vaccine Covid-19 nào chưa. Đặc biệt, người tiêm cần cung cấp dị nguyên gây dị ứng với bản thân; mũi tiêm trước có gây phản vệ hay không; có đang sử dụng thuốc chứa Polyethylene glycol (PEG), Polysorbate không.

Các trường hợp bị rối loạn đông máu, HIV, viêm cơ tim, mắc Covid-19 và đang điều trị, tiền sử giảm tiểu cầu do heparin, đang mang thai hoặc cho con bú, tiêm filler, bị hội chứng Guillain-Barré (GBS)... cũng được hỏi tiền sử kỹ và xếp vào nhóm theo dõi 30 phút sau tiêm.

Những người không gặp vấn đề gì về sức khỏe chỉ cần theo dõi 15 phút sau tiêm. Tuy nhiên, bảng sàng lọc này không yêu cầu người tiêm phải đo huyết áp trước tiêm chủng hay lưu ý về các trường hợp bị bệnh về huyết áp.

Theo CDC, hơn 363 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm cho người dân tại Mỹ từ ngày 14/12/2020 đến hết 23/8. Trong thời gian này, ngành y tế ghi nhận 6.968 ca tử vong sau tiêm vaccine Covid-19, tương đương 0,0019%.

 Hình thức tiêm vaccine drive-through phổ biến tại Australia và nhiều nơi. Ảnh: NBC News.

Hình thức tiêm vaccine drive-through phổ biến tại Australia và nhiều nơi. Ảnh: NBC News.

Tại Canada, người tiêm chủng được sàng lọc thông qua các yếu tố: (1) Có triệu chứng Covid-19 hoặc bị sốt không?; (2) Có bị phản ứng nghiêm trọng/dị ứng với mũi tiêm vaccine Covid-19 trước đó không?; (3) Có bị dị ứng nghiêm trọng với Polyethylene glycol (PEG) hoặc thành phần nào của vaccine không?; (4) Từng tiêm vaccine nào trước đó trong vòng 14 ngày?; (5) Có đang mang thai hay cho con bú không?; (5) Có bị suy giảm khả năng miễn dịch do bệnh tật hoặc điều trị không?; (6) Có rối loạn miễn dịch không? (7) Có bị rối loạn đông máu không?; (8) Từng có tiền sử ngất xỉu không?

Nếu các câu 2, 3, 5, 6, 7, 8 trả lời "có", người dân được khuyến cáo nên khám sàng lọc kỹ và trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm vaccine. Ngoài ra, để được tiêm chủng, họ sẽ phải ký vào phiếu đồng ý tiêm vaccine Covid-19.

Tính đến ngày 20/8, Canada đã tiêm được hơn 52 triệu liều vaccine. Trong đó, 13.445 người báo cáo về các tác dụng phụ. Tỷ lệ người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng là 3.522, tương đương 0,007%. Ngoài ra, 160 người bị sốc phản vệ sau tiêm. Dữ liệu không đề cập người tử vong sau tiêm vaccine Covid-19.

Tại Australia, các câu hỏi sàng lọc cũng tương tự. Nếu người dân có một trong các tình trạng nói trên, họ cần phải được tư vấn kỹ từ nhân viên y tế. Bảng khám sàng lọc của Australia cũng nêu rõ người dân nên trì hoãn tiêm nếu đang gặp các tình trạng này để đảm bảo sức khỏe, an toàn.

Tuy nhiên, yếu tố huyết áp cũng không được đề cập. Người tiêm có hai khung thời gian theo dõi là 15 phút hoặc 30 phút, phụ thuộc quyết định của nhân viên y tế tiêm cho họ.

Ngoài việc kêu gọi người dân đi tiêm, từ đầu tháng 8, chính quyền nước này cũng lập nhiều địa điểm tiêm chủng để người dân tiếp cận vaccine dễ dàng như tại bệnh viện, khu liên hợp thể thao, nhà cộng đồng, hiệu thuốc...

Đặc biệt, Australia triển khai hình thức drive-through. Người dân lái ôtô đến địa điểm tiêm chủng và ngồi trong xe, chờ nhân viên y tế làm thủ tục và tiêm ngay trên xe. Bảng sàng lọc tương tự với bệnh viện. Người dân sẽ tới chỗ đỗ xe được bố trí sẵn và chờ theo dõi sức khỏe sau tiêm 15 phút rồi được phép rời đi.

Tại Anh, các quy trình nói chung không có sự khác biệt về danh sách cần sàng lọc. Trước khi đến điểm tiêm, người dân sẽ được phát danh sách các thông tin cần thiết, nếu đồng ý, họ ký vào tờ khai, xác nhận trên ứng dụng hẹn lịch và đến điểm tiêm chủng. Tại đây, người dân cũng sẽ ký vào bản xác nhận đồng ý tiêm.

Tại Nhật Bản, bảng sàng lọc trước tiêm vaccine cũng tương tự, nhưng bản đồng ý tiêm chủng in cùng trang với phiếu kiểm tra các thông số sức khỏe. Bảng sàng lọc này vẫn tập trung vào loại vaccine từng tiêm trong vòng 14 ngày, tiêm mũi thứ mấy, từng dị ứng/sốc phản vệ chưa, đang điều trị bệnh gì, uống thuốc nào.

Tại Hàn Quốc, tài liệu sàng lọc trước tiêm của nước này giống CDC. Trong tờ khai cũng nêu rõ đây là thông tin tham khảo, điều này không có nghĩa người dân phải trì hoãn tiêm vaccine nếu gặp một trong các tình trạng được liệt kê. Họ cần trao đổi kỹ với nhân viên y tế và quyết định lợi ích, rủi ro khi tiêm chủng.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-quoc-gia-co-do-huyet-ap-truoc-khi-tiem-vaccine-covid-19-post1257683.html