Các quốc gia đặt mục tiêu đưa lượng khí thải ngành vận tải biển về 0
Những nhà đàm phán đến từ gần như tất cả các quốc gia đã đạt được một thỏa thuận tạm thời, nhằm loại bỏ một cách hiệu quả lượng khí thải nhà kính của ngành vận tải biển trong khoảng thời gian gần năm 2050 nhất có thể.
Bước đột phá này đã được đưa ra trong một cuộc họp thường niên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan quản lý vận tải biển toàn cầu được tổ chức ở thủ đô London (Vương quốc Anh).
Được biết, thỏa thuận sẽ được ký chính thức vào ngày hôm nay (7/7), và cũng sẽ đặt ra các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 và năm 2040.
Trong một nhận định liên quan, ông Carlos Fuller, đại diện của Belize, một quốc gia ở khu vực Trung Mỹ, tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để có được những con số này. Chúng tuy không hoàn hảo, nhưng sẽ giúp chúng ta duy trì nhiệt độ trong khoảng 1,5 độ C. Và đó là điều chúng tôi đến đây để thực hiện”.
Đáng chú ý, ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Các tàu vận tải nhiên liệu, quặng, ngũ cốc và các container chở đầy hàng tiêu dùng thường sử dụng dầu nhiên liệu nặng, loại nhiên liệu gây ra nhiều khí thải hơn so với hầu hết các loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Trong bối cảnh dân số thế giới tiếp tục gia tăng và các quốc gia phát triển thương mại mạnh mẽ hơn, ngành vận tải biển toàn cầu cũng sẽ phát triển. Hiện tại, khoảng 90% thương mại quốc tế diễn ra trên các tàu biển.
Việc chuyển đổi khỏi loại nhiên liệu đó sẽ yêu cầu các Chính phủ, cũng như các công ty dầu khí, đầu tư vào những giải pháp thay thế không phát thải. Chúng có thể bao gồm hydrogen xanh, hoặc dẫn xuất của nó là amoniac xanh. Những loại nhiên liệu như vậy được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời để thúc đẩy các quá trình chuyển đổi nước thành nhiên liệu.
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi này không đơn giản chỉ là trợ cấp cho việc sản xuất nhiều hydrogen hơn. Những con tàu mới, tàu chở dầu mới, đường ống mới và thậm chí là cơ sở hạ tầng cảng mới sẽ đóng vai trò cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng loại nhiên liệu này.
Các nhà sản xuất tàu đã bắt đầu cung cấp những con tàu có thể chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng, đây vẫn là một loại nhiên liệu hóa thạch nhưng sạch hơn so với dầu nhiên liệu nặng.
Theo Hãng Thông tấn New York Times, thỏa thuận nói trên của IMO sẽ không ràng buộc, và có ý nghĩa hơn như một tín hiệu cho các Chính phủ về điểm mà họ cần đánh giá các mục tiêu. Thỏa thuận quy định rằng, đến năm 2030, các Chính phủ cần yêu cầu các công ty vận tải biển cắt giảm phát thải khí nhà kính “ít nhất 20%” so với năm 2008. Tiếp đó, đến năm 2040, con số này sẽ mở rộng lên “ít nhất 70%”.