Các quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ
Ngoài Thụy Điển và Pakistan, hiện đã có thêm ít nhất 2 quốc gia nữa ngoài châu Phi đã ghi nhận ca mắc chủng mới là Thái Lan, Philippines. Điều này khiến các quốc gia Đông Nam Á bước vào cuộc đua phòng ngừa dịch bệnh...
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus, có thể lây lan qua tiếp xúc gần. Bệnh gây ra các triệu chứng giống cúm và các tổn thương trên da có mủ. Mặc dù bệnh thường nhẹ nhưng đã có những trường hợp tử vong được ghi nhận.
Theo CNBC, ngày 23/8, Bộ Y tế Singapore công bố thông tin về 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 22/8, Thái Lan đã thông báo về trường hợp đầu tiên ở châu Á mắc biến thể Clade 1b của virus đậu mùa khỉ. Đây cũng là trường hợp thứ hai được xác nhận nhiễm Clade 1b bên ngoài châu Phi. Biến thể này đang khiến các chuyên gia lo ngại vì khả năng lây lan nhanh và nguy cơ gây tử vong cao hơn.
Trước đó, ngày 14/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu liên quan đến sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, do sự xuất hiện của biến thể Clade 1b và khả năng lây lan nhanh của nó. Ngày 15/8, Thụy Điển đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Clade 1b, đánh dấu sự xuất hiện của biến thể này bên ngoài châu Phi.
Đại diện WHO tại Trung Quốc, ông Martin Taylor, cảnh báo: "Virus đậu mùa khỉ chủng clade-2 vẫn đang lưu hành từ đợt bùng phát dịch trước đó. Virus nhóm này chủ yếu lây qua đường tình dục. Đối với biến thể 1b mà chúng ta đang thấy hiện nay, chủ yếu là qua tiếp xúc giữa người với người. Virus này có thể lây khi quan hệ tình dục, hôn hoặc nói chuyện ở khoảng cách gần. Đó là phương thức lây truyền chính. Ngoài ra, tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với vật liệu bị nhiễm bệnh, ví dụ như ga trải giường bị nhiễm virus cũng là những phương thức lây truyền virus..."
Trong bối cảnh này, chính phủ Thái Lan cho biết sẽ tăng cường các biện pháp giám sát và sàng lọc tại các sân bay quốc tế. Khách du lịch tới từ các quốc gia đang bùng phát đậu mùa khỉ cần phải đăng ký trên nền tảng trực tuyến của Bộ Y tế Thái Lan trước khi khởi hành tới quốc gia này. Sau khi tới nơi, họ cũng sẽ được yêu cầu kiểm tra sức khỏe. Những du khách có triệu chứng nghi là đậu mùa khỉ sẽ bị cách ly. Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đã chuẩn bị một cơ sở cách ly nhằm trường hợp dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Trong khi đó, Philippines vẫn chưa triển khai các biện pháp phòng ngừa cụ thể tại các sân bay. Một thượng nghị sĩ của nước này gần đây đã kêu gọi các trường học tăng cường thực thi các biện pháp vệ sinh và kiểm tra sức khỏe. Ông cũng đề nghị thành lập trung tâm kiểm soát dịch bệnh của quốc gia.
Tương tự, thiên đường du lịch Bali của Indonesia đang trong tình trạng cảnh báo cao. Sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai cũng đã trang bị 3 máy quét thân nhiệt. Với khách quốc tế có thân nhiệt trên 37,5 độ C, họ sẽ được kiểm tra bổ sung.
Những người có triệu chứng đậu mùa khỉ sẽ ở tại phòng cách ly của sân bay để theo dõi trước khi được đưa tới bệnh viện. Chính phủ Indonesia cho biết họ đang chuẩn bị 4.450 liều vaccine. Indonesia hiện chưa ghi nhận ca mắc chủng Clade 1b nào.
Với Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết du khách tới từ các quốc gia có dịch đậu mùa khỉ phải tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau khi đến. Malaysia chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể Clade 1b nào. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Malaysia cho biết các bác sĩ phải thông báo ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ và nếu đã xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ thì phải đến cơ quan y tế quận gần nhất để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.
Chính quyền địa phương cũng đang có động thái để đảm bảo rằng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến tiếp xúc gần với khách hàng, chẳng hạn như dịch vụ spa hoặc massage, thực hiện vệ sinh cá nhân và giữ cho môi trường sạch sẽ. "Nếu một nhân viên hoặc khách hàng có triệu chứng, họ nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức", tuyên bố cho biết.
Dù Singapore chỉ ghi nhận các trường hợp nhiễm chủng Clade 2, Bộ Y tế nước này cho biết đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ. Việc kiểm tra thân nhiệt sẽ được thực hiện với du khách và phi hành đoàn tới từ một số địa điểm nhất định. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Singapore nhấn mạnh trẻ em dễ bị nhiễm chủng virus mới hơn, đồng thời cảnh báo rằng độc lực của bệnh đậu mùa khỉ có thể lớn hơn dự kiến.
"Sự lây lan có khả năng diễn ra nhanh chóng và dữ dội, với tốc độ tương tự như một đợt bùng phát bệnh tay chân miệng tại một cơ sở chăm sóc trẻ em", Leong Hoe Nam, một chuyên gia tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena cho biết.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đã mô tả tình hình là "rất đáng lo ngại" và cho rằng Singapore sẽ là một trong "những nơi đầu tiên phát hiện ra các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ với các biến thể mới vì các chuyến bay kết nối thường xuyên đến quốc đảo này. "Tôi cho rằng chúng ta nên làm việc với tư thế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở châu Á", ông nói với các phóng viên.
Bắt đầu từ tháng 9/2022, Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên thuộc nhánh Clade llb. Từ đó đến nay, cả nước ghi nhận 202 ca bệnh với 8 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 67 trường hợp mắc bệnh, 2 tử vong. Tại khu vực phía Nam, trong 2 năm 2023-2024 ghi nhận 200 trường hợp (8 tử vong), trong đó nhiều nhất là: TP Hồ Chí Minh (156 ca), Long An (8 ca)...
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát ngay tại cửa khẩu và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời lên các kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch bệnh và truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao. Dự kiến Cục Y tế dự phòng sẽ sớm có văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch đậu mùa khỉ, đáp ứng cảnh báo WHO đưa ra.
Ngày 26/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) lây từ người sang người. Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. Trong đó, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm.