Các quốc gia G20 chung tay hành động vì tương lai
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Italia, kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để ứng phó biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu một hành tinh xanh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, các quốc gia thành viên G20 tạo ra 80% tổng lượng phát thải carbon trên toàn cầu, do đó trách nhiệm của G20 là phải hành động ngay lập tức. Bà Yellen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế để tránh xảy ra bất đồng giữa các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đề xuất thiết lập một mức giá sàn carbon trên toàn cầu, nhằm mở đường cho các nước thành viên G20 đưa ra cam kết thống nhất về một mức giá carbon.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới thông qua giá sàn carbon, coi đây là một biện pháp bắt buộc nhằm đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. IMF nêu rõ, việc áp chung một mức giá sàn cho carbon được coi là một công cụ chính sách quan trọng nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó kiềm chế nhiệt độ của Trái đất chỉ tăng 20C đến năm 2050.
Tuy nhiên, hiện 80% số khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được định giá và giá carbon toàn cầu trung bình chỉ 3 USD/tấn - mức giá chưa đủ khuyến khích việc sử dụng năng lượng hiệu quả và đổi mới theo hướng công nghệ xanh.
Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health (Pháp), nhóm chuyên gia quốc tế thuộc Trường đại học Monash của Australia và Trường đại học Sơn Ðông (Trung Quốc) đã tìm ra mối liên quan giữa nhiệt độ bất thường với số người chết tại 43 quốc gia ở năm châu lục giai đoạn 2000 - 2019.
Kết quả cho thấy, thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân gây ra 9,43% số trường hợp tử vong (tương đương hơn năm triệu người) trên toàn cầu từ năm 2000 đến 2019. Các nước khu vực Ðông Âu và phía nam sa mạc Sahara của châu Phi ghi nhận tỷ lệ chết do nhiệt độ nóng và lạnh bất thường cao nhất thế giới. Tại Australia, cứ 16.500 người chết hằng năm liên quan tới nhiệt độ thì có khoảng 2.300 ca là do nguyên nhân nhiệt độ nóng và 14.200 ca do nhiệt độ lạnh bất thường.
Không chỉ G20, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi quốc gia và mọi người dân trên thế giới. Hãy chung tay hành động vì tương lai, vì môi trường và vì hành tinh xanh, trước khi tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trở nên không thể cứu vãn.