Các quốc gia nào hưởng lợi từ lệnh cấm dầu Nga của EU?

Nhờ lệnh cấm vận của EU, Trung Quốc, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, trong khi đó một loạt các quốc gia tiềm năng về xuất khẩu năng lượng cũng có động lực vươn lên.

Nga thu về lợi nhuận khổng lồ ngắn hạn?

Cuối cùng EU đã đạt được thỏa thuận chung trong việc tung ra gói trừng phạt thứ 6, nổi bật là lệnh cấm đến 90% hoạt động nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm vận này đã vô tình đẩy giá dầu tăng, gây bất lợi cho EU và các khu vực khác trên thế giới.

Lệnh cấm vận dầu Nga vẫn là chủ để nóng trong suốt tuần qua khi giá cả mặt hàng này tăng cao. Ảnh: Oil Price.

Tất nhiên, lệnh cấm nhằm trừng phạt Nga bằng cách cắt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga là rất khôn khéo. Tuy nhiên, phương Tây có thể nhận ra rằng, ít nhất là trong ngắn hạn, những gì họ sẽ cảm nhận được là “sự đau đớn” trước sự gia tăng “không phanh” của giá dầu thô.

Nga, giống như các nước sản xuất dầu thô lớn khác trong năm nay đã thu được lợi nhuận đáng kể từ việc bán dầu thô kể từ đợt tăng giá lớn bắt đầu vào mùa thu năm ngoái.

Nga tăng sản lượng dầu trong bối cảnh trừng phạt. Ảnh chụp màn hình/báo Lao Động.

Có thể nói đây là thời điểm không thể tốt hơn cho Nga. Những khoản thu nhập từ dầu mỏ này đang hỗ trợ tài trợ cho cuộc chiến của nước này ở Ukraine.

Tình trạng khó khăn đáng buồn này chính là nguyên nhân thúc đẩy EU cố gắng áp đặt các biện pháp trừng phạt tiền tệ bằng cách từ chối mua dầu thô Nga. Tuy nhiên, hậu quả sẽ còn vượt ra ngoài phạm vi Nga, tới các quốc gia đang cố gắng cắt giảm quỹ chiến tranh của Nga, và thậm chí sang cả Mỹ.

Nga xuất khẩu khoảng 8 triệu thùng dầu thô và nước ngưng mỗi ngày, được biết khoảng 2,3 triệu thùng trong số đó được dành cho Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, 1,6 triệu thùng/ ngày trong tổng số khoảng 2,3 triệu thùng/ ngày được vận chuyển đến EU bằng đường biển. Đây là loại dầu thô đầu tiên sẽ bị cấm.

Phần còn lại của dầu đi từ Nga đến EU được vận chuyển bằng đường ống, sẽ không bị cấm cho đến cuối năm nay. Một số nước EU, bao gồm cả Đức, đã tuyên bố rằng họ sẽ bắt đầu giảm tiêu thụ dầu thô của Nga càng sớm càng tốt.

Điều này vừa gây sốc vừa đáng chú ý, vì chỉ riêng Đức đã tiêu thụ nửa triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày. Và không chỉ khối lượng dầu thô lớn sẽ gây ra vấn đề cho Đức và các khách hàng dầu thô khác. Nếu các nhà máy lọc dầu chế biến dầu Ural này vẫn tiếp tục hoạt động, họ sẽ cần phải tìm một sản phẩm phù hợp khác.

Động lực vươn lên thay thế Nga

Được biết, đất nước Bulgaria cũng có các nhà máy lọc dầu được thiết kế đặc biệt để chạy loại dầu thô chua này, EU có thể tìm đến quốc gia này để thay thế nguồn nhập của Nga.

Tuy nhiên Bulgaria nói rằng các nhà máy lọc dầu của nước này sẽ không thể hoạt động nếu thiếu dầu của Nga. Ảnh minh họa https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia không chỉ là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với 17% thị phần, mà còn là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới với 198 tỷ thùng. Cơ hội của quốc gia này là rất lớn trong việc chiếm thị phần trên bản đồ xuất khẩu năng lượng thế giới khi Nga rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” với Châu Âu.

Venezuela – nơi có trữ lượng khoảng 304 tỷ thùng. Dù vậy, quốc gia Nam Mỹ này không phải nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn. Sau sắc lệnh nới lỏng của Mỹ được công bố, Ngoại trưởng Venezuela Felix Plasencia cho biết nước này sẵn sàng nối lại hoạt động bán dầu cho Mỹ, dù vẫn là đồng minh thân thiết với Nga.

Được biết, Canada, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới năm 2020 với 168 tỷ thùng, cũng là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 6 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 48 tỷ USD. Đây cũng là cơ hội lớn cho nước này bật lên.

Trong khi đó, các quốc gia đã có những thỏa thuận nổi bật với các nhà cung cấp thay thế, nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt, gây áp lực tăng lên nhiều hơn đối với giá dầu toàn cầu.

Động thái cấm dầu thô của Nga của EU sẽ có một tác động tức thì: điều đó sẽ làm tăng giá dầu thô.

Mua được dầu giá rẻ

Trong khi đó, Nga sẽ có nhiều tháng để tìm cách vận chuyển dầu thô của mình - khoảng 2,3 triệu thùng mỗi ngày - đến những khách hàng khác. Chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những khách hàng đã bày tỏ sự quan tâm đến dầu thô của Nga, 3 nước này đều đã được hưởng lợi từ lệnh cấm vận này, bằng cách thu mua giá dầu rẻ gần như gấp đôi so với năm trước.

Tất nhiên, với dự trữ khổng lồ, Nga sẽ không thể chỉ chuyển hướng và xuất khẩu toàn bộ xăng dầu của mình sang các địa điểm này. Rốt cuộc, một số thùng này hiện đang được vận chuyển qua đường ống đến nhiều nơi khác nhau.

Trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN).

Và EU đang tìm cách gây khó khăn hơn nữa cho các lô hàng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bằng cách cấm các công ty bảo hiểm bảo hiểm các tải trọng dầu thô của Nga. Nhưng chắc chắn một số dầu thô mà EU từ chối tiếp nhận trong tương lai, ắt sẽ tìm thấy các nhà nhập khẩu thay thế.

Và Nga khó có thể chịu ảnh hưởng của bất kỳ điều gì trong vài tháng tới.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thu được lợi nhuận đáng kể. Họ sẽ có quyền mua Ural với giá thấp nhất, tinh chế nó, và sau đó bán lại các sản phẩm tinh chế cho các nước khác (chẳng hạn như các nước ở EU) với giá thấp nhất. Đây sẽ là cơ hội “ngàn năm có một” để thu về lợi nhuận.

Điều đó không có nghĩa là Nga sẽ không yếu thế trong tương lai. Tuy nhiên, ngay cả về lâu dài, mức hạn chế 2,3 triệu thùng/ ngày của EU sẽ không tước đi 2,3 triệu thùng/ ngày của Nga, có nghĩa là với đất nước giàu khoáng sản như Nga sẽ không có gì thay đổi về sản lượng.

Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động xuất khẩu dầu thô nào mà Nga bị mất trong sáu tháng tới sẽ khó có thể trở lại hoặc không bao giờ và nước này sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, số lượng này có thể sẽ ít hơn đáng kể so với kỳ vọng của thế giới, phương Tây. Thế nhưng, Nga vẫn sẽ được bù đắp lại bằng giá dầu thô cao hơn khi thế giới tranh giành để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng nào.

Nói tóm lại, giữa tình hình thị trường năng lượng đầy rẫy những biến động, một quốc gia thuần khai khoáng và xuất khẩu sẽ chiếm ưu thế hơn nhiều với những quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng để duy trì sản xuất và hoạt động trong nước.

Lê Na (Theo Oil Price)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-quoc-gia-nao-huong-loi-tu-lenh-cam-dau-nga-cua-eu-post197772.html