Các quốc gia nghèo sẽ lên tiếng mạnh mẽ tại thượng đỉnh khí hậu LHQ
Hội nghị COP-27 tháng 11 tới sẽ 'thể hiện được tiếng nói và nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhất và làm rõ công lý về khí hậu'.
Đây là thông điệp của bà Madeleine Diouf Sarr, Chủ tịch nhóm đàm phán đại diện Các nước kém phát triển nhất (LDC) tại thượng đỉnh khí hậu COP-27 khi chia sẻ với AP.
Bà Sarr cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhóm Các nước nghèo muốn các bên đạt được "một thỏa thuận để thiết lập một cơ sở tài chính tập trung" vào việc chi trả cho các quốc gia đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu
Nhóm LDC, bao gồm 46 quốc gia, và chỉ tạo ra một phần nhỏ lượng khí thải toàn cầu, đã đàm phán với tư cách là một khối chung tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Liên Hợp Quốc để bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Các vấn đề như ai trả tiền cho các quốc gia nghèo hơn để chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo không cộng đồng nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của LDC.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, các quốc gia đang phát triển vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc tiếp cận nguồn tài chính phát triển năng lượng sạch. Trong đó châu Phi chỉ thu hút được 2% tổng vốn đầu tư vào năng lượng sạch trong 20 năm qua. Cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc gần đây cũng ước tính rằng nguồn cung cấp năng lượng sạch toàn cầu phải tăng gấp đôi vào năm 2030 để thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo các mục tiêu đã đề ra.
Bà Sarr nói thêm rằng LDC cũng sẽ tìm kiếm các nguồn quỹ để giúp các nước đang phát triển thích ứng với hạn hán, lũ lụt và các sự kiện liên quan đến khí hậu khác, cũng như thúc giục các quốc gia phát triển đẩy nhanh kế hoạch giảm phát thải. Cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc cho biết, LDC đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu vì họ không có khả năng thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt.
Bà Sarr nói: "Chúng ta đã trì hoãn hành động vì khí hậu quá lâu", đề cập đến khoản viện trợ khí hậu trị giá 100 tỷ USD/năm được tuyên bố cho các nước nghèo hơn từ một thập kỷ trước.
Bà Sarr nói thêm: "Chúng ta không thể để thêm một COP nữa diễn ra và các bên chỉ tới để 'nói'".
Dù vậy, bà Sarr cũng bày tỏ hi vọng hội nghị thượng đỉnh năm nay nên hướng đến việc thực hiện các kế hoạch và cam kết mà các nước đã đồng ý tại các hội nghị trước đó. Đồng thời khẳng định sự kiện này là "một trong số ít dịp các quốc gia của chúng ta đến với nhau để buộc các nước phải chịu trách nhiệm về lịch sử".