Các quốc gia quy định thế nào về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo?

Tại nhiều quốc gia phát triển cũng yêu cầu giáo viên có chứng chỉ hành nghề để đảm bảo các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Tại Việt Nam, chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nếu áp dụng quy định này để thực sự nâng cao năng lực nghiệp vụ cho giáo viên, song cũng tránh tình trạng thêm một giấy phép con, tạo áp lực cho nhà giáo.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GD-ĐT ban hành lấy ý kiến xã hội, các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm: nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu…

Cũng theo dự thảo, chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên ĐH và CĐ sư phạm do các bộ, cơ quan ngang bộ cấp. Sở GD-ĐT cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục ĐH thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

Nghiên cứu kỹ khi quy định chứng chỉ hành nghề với nhà giáo

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc đào tạo giáo viên lâu nay vẫn được giao cho các trường sư phạm. Nếu cấp chứng chỉ hành nghề, trước tiên, Bộ cần khảo sát, xem lại chương trình đào tạo của các trường sư phạm đã đảm bảo, đủ điều kiện để người học ra hành nghề hay chưa.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Nếu chương trình đào tạo chưa đảm bảo để sinh viên ra trường có thể dạy học ngay thì xem xét việc cấp chứng chỉ bổ sung.

“Như ngành Y, sinh viên tốt nghiệp cử nhân nhưng vẫn cần học tiếp lên bác sĩ nội trú. Với ngành sư phạm, lâu nay việc cấp chứng chỉ vốn chỉ dành cho những người học trái ngành muốn ra làm giáo viên. Nếu áp dụng đồng loạt cho các trường hợp trên toàn quốc thì cần xem xét kỹ lại một số nội dung bao gồm chất lượng các trường sư phạm và chương trình thực tập hiện nay. Bởi sau khi tốt nghiệp, sinh viên vào các trường vẫn phải trải qua 1 năm tập sự. Nếu cấp chứng chỉ hành nghề, thì có cần áp dụng thời gian tập sự này hay không?

Trước đây khi tập sự, các trường chỉ nhận xét chung chung, ở nhiều nơi việc đánh giá giáo viên tập sự còn làm chưa chu đáo.Tóm lại, để cấp hay không cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên cần xem kỹ lại chương trình đào tạo, bên cạnh đó cũng cần cân nhắc việc để giáo viên được lấy chứng chỉ nếu đáp ứng yêu cầu sau 1 năm tập sự hay tổ chức một kỳ thi riêng…”.

GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, sinh viên sư phạm ra trường còn kém ở khâu thực hành là chính, do đó việc cấp chứng chỉ nghề nghiệp cần tập trung vào kỹ năng nghiệp vụ. Cần tránh việc mở thêm 1 kỳ thi để cấp chứng chỉ nhưng lại tiếp tục kiểm tra những kiến thức sách vở lý thuyết, gây lãng phí, tốn kém lại không đánh giá được thực chất năng lực của giáo viên.

Việc cấp chứng chỉ cũng cần nghiên cứu kỹ để không trở thành giấy phép con, gây áp lực, nặng nề cho nhà giáo. Bên cạnh đó, về đối tượng được cấp chứng chỉ, với những người đã về hưu, thậm chí có nhiều năm công tác trong ngành, việc cấp chứng chỉ có thực sự cần thiết hay không? Nếu có cơ quan cấp chứng chỉ, cũng cần quy định rõ cơ quan nào thu hồi chứng chỉ, việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện như thế nào.

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, Bộ GD- ĐT cần có nghiên cứu rất kỹ về những nội dung này, để khi ban hành quy định áp dụng được hiệu quả, nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, song cũng tránh những tiêu cực gây khó khăn cho nhà giáo.

Nhiều quốc gia áp dụng chứng chỉ hành nghề với giáo viên

Liên hệ với một số nước trên thế giới, PGS.TS Đinh Quang Báo cho biết, tại Mỹ, ở hầu hết các bang, giáo viên được cấp bằng/chứng chỉ hành nghề sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo giáo viên và vượt qua kì kiểm tra lấy giấy phép hành nghề. Giấy phép đó có giá trị lâu dài. Kì thi lấy giấy phép ở hầu hết các bang là bộ bài thi gồm: đánh gia kiến thức môn học, kĩ năng dạy học trên lớp.

Ở Hồng Kông, Singapore, Hàn quốc, Nhật Bản, Hà Lan bằng tốt nghiệp ban đầu có giá trị hành nghề lâu dài mà không cần chứng chỉ bổ sung.

Hầu hết các nước sự sàng lọc giáo viên được tiến hành qua nhiều khâu của giai đoạn đào tạo và phát triển giáo viên. Ở tất cả các nước đều có sự lọc các ứng viên ra khỏi nghề giáo. Nhiều nước như Phần Lan nhấn mạnh việc lựa chọn các ứng viên vào và ra khỏi chương trình đào tạo giáo viên. Những nước khác như Nhật Bản nhấn mạnh chương trình tập sự, theo đó sẽ có thể có những giáo sinh không nhận được chứng nhận cố định.

Ở Anh, Hội đồng giảng dạy trao cho giáo viên các chức danh như chức danh giáo viên có đủ năng lực. Tổ chức này có quyền loại hoặc đình chỉ những những viên nếu họ vi phạm kỉ luật hoặc không đủ năng lực theo chuẩn nghề nghiệp. Có thể có các mức kỉ luật khác nhau từ khiển trách, đình chỉ tạm thời, loại vĩnh viễn.

Còn theo nghiên cứu của ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), ở hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, có hai con đường phổ biến để trở thành giáo viên gồm: Hoàn thành bằng sư phạm 4 năm, tùy thuộc vào nơi học hoặc hoàn thành bằng đại học về một chuyên ngành cụ thể như khoa học hoặc âm nhạc cộng với bằng sư phạm sau đại học.

Cơ quan cấp phép đăng ký hành nghề khác nhau ở mỗi bang, ví dụ ở bang Victoria, cơ quan có thẩm quyền là Viện Giảng dạy Victoria (Victorian Institute of Teaching). Đơn vị này cung cấp hướng dẫn để giáo viên có thể đăng ký hành nghề. Để được cấp phép giảng dạy, giáo viên cần phải đăng ký với Victorian Institute of Teaching (VIT).

Có 2 loại cấp phép gồm: Đăng ký tạm thời (Provisional registration) và Đăng ký đầy đủ (Full registration).

Đăng ký tạm thời được cấp trong thời hạn 2 năm. Phải gia hạn mỗi năm 1 lần. Trong thời gian này, các giáo viên đã đăng ký tạm thời (PRT) phải chứng minh rằng họ có thể áp dụng kiến thức của mình vào các tình huống giảng dạy mà họ có toàn bộ trách nhiệm nghề nghiệp đối với việc học tập của học sinh; Đã đáp ứng Tiêu chuẩn Giáo viên Chuyên nghiệp của Úc (APST) ở cấp độ giáo viên thành thạo; Đã có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 80 ngày tại một trường học (giáo viên) ở Úc hoặc New Zealand hoặc dịch vụ mầm non (giáo viên mầm non).

Những người có Đăng ký đầy đủ (Full registration) đã đạt được trình độ giáo viên “thành thạo” theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp dành cho giáo viên của Úc (Australian Professional Standards for Teachers - APST) và đã chứng minh được sự phù hợp của họ để giảng dạy thông qua thực hành chuyên môn và học tập chuyên môn.

Khi có chứng chỉ này, giáo viên có thể giảng dạy tại bất kỳ trường tiểu học hoặc trung học nào ở Victoria hoặc cơ sở giáo dục chuyên biệt. Giáo viên mầm non có chứng chỉ này cũng có thể giảng dạy tại bất kỳ cơ sở chăm sóc và giáo dục mầm non nào ở Victoria (ví dụ: trường mầm non, nhà giữ trẻ ban ngày hoặc mẫu giáo).

Những giáo viên muốn nộp đơn đăng ký chứng chỉ này phải chứng minh được họ đã hoàn thành bằng cấp được phê duyệt - chương trình ITE dành cho giáo viên hoặc chương trình mầm non (EC) dành cho giáo viên mầm non - ở Úc, New Zealand hoặc chương trình tương đương ở nước ngoài được VIT phê duyệt; có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 80 ngày tại một trường học ở Úc hoặc New Zealand hoặc môi trường mầm non trong vòng 5 năm qua, và đạt APST ở cấp độ giáo viên thành thạo. Phải gia hạn mỗi năm 1 lần.

Sau khi đạt được Đăng ký đầy đủ, giáo viên sẽ cần gia hạn đăng ký định kỳ. Việc duy trì đăng ký thể hiện sự phát triển không ngừng trong quá trình hành nghề và phát triển chuyên môn của giáo viên.

Đối với giáo viên đã có chứng chỉ, giáo viên phải tham gia khóa học có thời lượng 20 giờ mỗi năm như một phần của việc gia hạn giấy phép.

Ngoài ra, "Working with Children Check" (Kiểm tra làm việc với trẻ em) là một thủ tục pháp lý bắt buộc tại Úc nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em. Thủ tục này yêu cầu những người làm việc hoặc tình nguyện trong các môi trường có trẻ em phải được kiểm tra lý lịch để xác định xem họ có phù hợp để làm việc với trẻ em hay không. Kiểm tra này bao gồm việc đánh giá lịch sử hình sự, các hành vi sai trái và các hành vi không phù hợp với trẻ em. Mục đích của việc này là ngăn ngừa những người có nguy cơ làm hại trẻ em từ việc tham gia vào các hoạt động liên quan đến trẻ.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cac-quoc-gia-quy-dinh-the-nao-ve-viec-cap-chung-chi-hanh-nghe-cho-nha-giao-post1098235.vov