Các sở nội vụ kịp thời thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh
Bộ Nội vụ đề nghị các sở nội vụ kịp thời thành lập các đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để điều tra những vụ tai nạn theo đúng quy định pháp luật.

Hiện trường sự cố nổ xỉ tại bể tôi xỉ, khu liên hiệp sản xuất phốt pho vàng, Công ty cổ phần Đông Nam Á (Lào Cai) vào ngày 21/4/2025, khiến 2 công nhân bị bỏng. (Ảnh: CÔNG HẢI)
Ngày 7/7, ban hành Công văn số 4787/BNV-CVL gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến thành lập đoàn điều tra cấp tỉnh.
Công văn nêu rõ, căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội, cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì Sở Nội vụ có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.
Thành phần đoàn điều tra tai nạn lao động do Sở Nội vụ quyết định bao gồm: đại diện của đơn vị (phòng) thuộc Sở Nội vụ có chức năng tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực làm trưởng đoàn; đại diện Sở Y tế; đại diện Liên đoàn lao động cấp tỉnh và thành phần khác (nếu thấy cần thiết).
Bộ Nội vụ đề nghị các sở nội vụ kịp thời thành lập các đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để điều tra các vụ tai nạn theo đúng quy định pháp luật.
Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trước đây) cho biết, trong năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ, tương đương 12,1%) làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người bị nạn), trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người).
Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản trong năm ngoái lên tới gần 42,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản là 492 tỷ đồng và hơn 154.759 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Các ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim.
Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng kỷ nguyên vươn mình, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2025 đã được phát động từ cuối tháng 4/2025 cùng với Tháng Công nhân.
Chủ đề của Tháng hành động này năm nay là“Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.