Quân cờ chiến lược Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Mỹ

Từ vùng trũng kinh tế, Quý Châu đã chuyển mình trở thành địa phương tuyến đầu trong chiến lược kinh tế mới của Bắc Kinh.

Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 8/7, cuộc chiến thương mại năm 2025 do Mỹ phát động đang trở thành cột mốc then chốt đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Mặc dù đã tạm thời đạt được một thỏa thuận tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với Mỹ, nhưng Trung Quốc đang chuẩn bị kĩ càng cho một cuộc đối đầu thương mại kéo dài.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 15 (2026 - 2030) của Bắc Kinh, dự kiến công bố vào tháng 3/2026, sẽ tái định hình toàn cảnh kinh tế và công nghiệp quốc gia. Văn kiện này đặt mục tiêu củng cố nền kinh tế nội địa, đồng thời tạo nền tảng để nâng cao vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Trước lộ trình chiến lược đó, nhiều địa phương đã chủ động điều chỉnh định hướng phát triển địa phương nhằm đồng bộ với định hướng tổng thể. Nổi bật trong đó là Quý Châu, một tỉnh miền núi phía Tây Nam Trung Quốc. Các quan chức tỉnh đã nhanh chóng nhận diện được cơ hội khi Bắc Kinh chuyển hướng chiến lược về thị trường nội địa và tập trung nhiều hơn vào an ninh kinh tế. Phát biểu tại hội nghị chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm được tổ chức vào ngày 28/5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu, ông Từ Lâm, cho biết sẽ tận dụng hiệu quả các lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Quý Châu đang đặt nhiều kỳ vọng vào “Chiến lược phát triển vùng nội địa”, chính thức được xác lập là định hướng dài hạn tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7/2024, khi các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu tại các tỉnh. Kế hoạch này tập trung phát triển các trung tâm công nghiệp trong nước, kho dự trữ vật tư và hệ thống hạ tầng then chốt.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố vào tháng 5/2025, Viện Nghiên cứu Pangoal (Bắc Kinh) đã kêu gọi chuyến hướng mới, theo đó đưa ra đề xuất về một bản quy hoạch nhằm hợp nhất 10 tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc, bao gồm cả Quý Châu, thành một vùng kinh tế liên kết nhằm tăng cường sức mạnh thị trường nội địa và nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro từ bên ngoài. Báo cáo đánh giá rằng việc tái cấu trúc bố cục kinh tế vùng theo định hướng này sẽ góp phần giảm thiểu tác động từ các yếu tố bất ổn toàn cầu và đồng thời tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Đây được xem là một lựa chọn chiến lược mang tính chủ động cho Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh địa - kinh tế ngày càng phức tạp.

Nằm sâu trong nội địa Tây Nam Trung Quốc, Quý Châu là một tỉnh không giáp biển, đã từ lâu gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do địa hình đồi núi hiểm trở. Tuy nhiên, Quý Châu được đánh giá là có vị trí kinh tế chiến lược đặc biệt. Tỉnh này nằm giữa hai trong số bốn vùng kinh tế trọng điểm của Trung Quốc là vành đai kinh tế Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao và Tứ Xuyên - Trùng Khánh. Ngoài ra, tỉnh còn giữ vai trò kết nối trong Hành lang đất - biển Tây Trung Quốc, một dự án hạ tầng quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư và kết nối các tỉnh miền Tây với Đông Nam Á thông qua các cảng biển tại Vịnh Bắc Bộ.

Thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, bao gồm sáu trụ cột chính là công nghiệp phụ trợ, khai thác khoáng sản chiến lược, pin và vật liệu năng lượng mới, tài nguyên tính toán, rượu truyền thống và năng lượng.

Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, Quý Châu đã có thể sản xuất động cơ và linh kiện máy bay, có ít nhất 10 doanh nghiệp địa phương đủ khả năng cung cấp linh kiện cho COMAC – hãng chế tạo máy bay thương mại lớn của Trung Quốc.

Trung tâm dữ liệu của Apple tại thành phố An Thuận, Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung tâm dữ liệu của Apple tại thành phố An Thuận, Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Quý Châu cũng đang vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế số, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về dữ liệu lớn, lưu trữ và tính toán. Tỉnh đã xây dựng được chuỗi công nghiệp số hoàn chỉnh, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Huawei và Tencent. Dịch vụ số hiện chiếm khoảng 50% tổng GDP của Quý Châu và tốc độ tăng trưởng giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc suốt 9 năm liên tiếp. Năng lực tính toán của tỉnh đã vượt mức 55 exaFLOPs, chiếm khoảng 1/4 tổng công suất quốc gia, đóng vai trò then chốt trong dự án “Đông dữ liệu, Tây tính toán” - chương trình phân bổ dữ liệu từ các vùng duyên hải phát triển sang xử lý tại miền Tây nội địa.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, theo đó hàng chục cây cầu vượt núi nhằm mở rộng mạng lưới đường bộ và đường sắt, kết nối hiệu quả hơn với các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước. Nhiều công trình có quy mô sánh ngang cầu Cổng Vàng ở San Francisco.

Trong năm 2024, Quý Châu đã ký kết 298 dự án công nghiệp được chuyển dịch từ các vùng duyên hải. Đến nay, 190 dự án đã bắt đầu triển khai, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 261,6 tỷ nhân dân tệ.

Năm 2024, GDP của Quý Châu đạt 2.270 tỷ nhân dân tệ (tương đương 317 tỷ USD), tăng 5,3% so với cùng kỳ, xếp thứ 22 trong tổng số 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc.

Ông Đinh Song, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định rằng các tỉnh phía Tây đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình quốc gia trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển nhanh chóng của hệ thống hạ tầng. Ngoài ra, các địa phương này có lợi thế về chi phí, tài nguyên dồi dào và nền tảng công nghiệp nhất định. Nếu môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, khu vực này sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn mới.

Tuy nhiên, ông Derek Scissors, chuyên gia kinh tế của tổ chức nghiên cứu China Beige Book, đặt dấu hỏi về việc liệu những thị trường nội địa nhỏ như vậy có thể bù đắp được tổn thất kinh tế đến từ Mỹ hay không. Ông lập luận rằng hệ thống hạ tầng ven biển vượt trội hơn hẳn trong việc kết nối các trung tâm sản xuất trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu. Theo ông, việc tập trung cho các khu vực ven biển sẽ hợp lý hơn so với đầu tư ngược trở lại vào vùng nội địa.

Hải Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-co-chien-luoc-trung-quoc-chuan-bi-cho-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-20250708155215467.htm