Các sông băng trên Trái Đất đang tiệm cận tới ngưỡng nguy hiểm

Nếu băng tan nhanh tại Alaska, thì hiện tượng tương tự cũng có thể đang diễn ra tại nhiều khu vực khác, một minh chứng cho thấy các sông băng trên Trái Đất đang tiệm cận tới ngưỡng nguy hiểm.

Sông băng Mendenhall, một trong hàng chục sông băng lớn kéo dài từ Cánh đồng băng Juneau. (Nguồn: Alaska News)

Sông băng Mendenhall, một trong hàng chục sông băng lớn kéo dài từ Cánh đồng băng Juneau. (Nguồn: Alaska News)

Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Communications số ra tháng 7 cho biết cánh đồng băng Juneau đang thu hẹp ở phía Đông Nam bang Alaska của Mỹ là một trong những minh chứng cho thấy các sông băng trên Trái Đất đang tiệm cận tới ngưỡng nguy hiểm.

Tác giả nghiên cứu, giảng viên cao cấp tại Đại học Newcastle (Anh), bà Bethan Davies, nhận định nếu băng tan nhanh tại Alaska, thì hiện tượng tương tự có thể cũng đang diễn ra tại nhiều khu vực khác trên thế giới.

Bà Davies cũng cho biết tốc độ tan chảy tại các sông băng trên toàn bang Alaska hiện nhanh hơn một số nơi khác trên thế giới.

Theo nghiên cứu, trong giai đoạn từ năm 1770-1979, lượng băng tan ở cánh đồng băng Juneau tương đối ổn định, khoảng 1km3 mỗi năm.

Trong giai đoạn 1979-2010, con số này là 3,1 km3/năm.

Tuy nhiên, chỉ trong 10 năm từ 2010-2020, lượng băng tan đã tăng gần gấp đôi, lên gần 6 km3/năm, tương đương lượng nước của 2,4 triệu bể bơi chuẩn Olympic thất thoát mỗi năm.

Lớp băng mỏng đi đã dẫn đến sự hình thành "Lưu vực Tự sát" (Suicide Basin).

Kể từ năm 2011, lũ lụt từ Suicide Basin đã ảnh hưởng đến Thung lũng Mendenhall đông dân ở Juneau, đỉnh điểm là trận lũ lịch sử vào mùa Hè năm 2023.

Chuyên gia khí hậu Alaska Rick Thoman cho biết hiện tượng trên chỉ xảy ra khi toàn bộ hệ thống sông băng mỏng đi với cường độ lớn và rất nhanh.

Chuyên gia này cảnh báo khi băng tại các sông băng ngày càng mỏng đi, Lưu vực Tự sát sẽ đạt đến điểm mà nước do băng tan sẽ không thoát ra nữa, song các lưu vực mới lại có thể hình thành.

Trong khi đó, giảng viên Davies nhận định lượng nước tan chảy từ các sông băng chiếm khoảng 25% mực nước biển dâng trên toàn cầu. Phần còn lại là từ băng tan ở Nam Cực, dải băng Greenland và hiện tượng giãn nở nhiệt ở đại dương.

Nữ giảng viên cao cấp nhấn mạnh rằng nghiên cứu của bà và các cộng sự không chỉ liên quan đến Alaska mà còn là chỉ dấu phản ánh tình trạng tương tự tại nhiều sông băng trên thế giới trong bối cảnh Trái Đất đang ấm lên do biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ tăng dần đang dẫn tới hàng loạt quá trình làm tăng tốc độ hoặc khuếch đại hiện tượng tan chảy tại các sông băng.

Một trong những quá trình đó là lượng tuyết trên các đỉnh núi và trên các cao nguyên tiếp tục giảm dần trong những tháng mùa Hè. Điều này tác động ngược trở lại khiến không khí ấm hơn.

Chuyên gia khí hậu Davies cũng cho rằng dù băng trên Trái Đất chưa vượt qua điểm nguy hiểm, song kịch bản tồi tệ có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này. Nếu quá trình tan chảy tiếp tục, cánh đồng băng sẽ khó có thể phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-song-bang-tren-trai-dat-dang-tiem-can-toi-nguong-nguy-hiem-post964876.vnp