Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Sau khi duy trì ổn định trong phần lớn thời gian của năm ngoái, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có xu hướng mất đà vào đầu năm 2025 khi áp lực của người tiêu dùng và thâm hụt thương mại tăng vọt do cuộc chạy đua áp thuế nhập khẩu.

Dữ liệu kinh tế Mỹ
Hôm thứ Tư (30/4), ước tính ban đầu của chính phủ Mỹ về GDP trong quý I dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế tăng trưởng ở mức 0,4%, là mức yếu nhất trong gần ba năm. Với thị trường tài chính quá nhạy cảm với triển vọng của nền kinh tế, GDP gần như trì trệ có nguy cơ làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái và tác động tới thị trường lao động.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tốc độ tuyển dụng chỉ chậm lại và không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng sa thải trên diện rộng.
Báo cáo việc làm tháng 4 được công bố vào thứ Sáu (2/5) dự kiến sẽ cho thấy mức tăng 130.000, ít hơn khoảng 100.000 so với tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức 4,2%.
Dữ liệu GDP quý I sẽ là đánh giá về nền kinh tế trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, cho thấy tác động ban đầu của thuế quan và thông điệp chính sách thương mại của ông trước khi áp dụng các mức thuế toàn diện hơn được công bố vào ngày 2/4.
“Chúng tôi ước tính GDP thực tế đã giảm mạnh trong quý I xuống còn 0,4% từ mức 2,4% trong quý IV/2024. Thâm hụt thương mại được xem là lực cản lớn nhất, vì các doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng hóa trước khi chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế. Người tiêu dùng cũng đổ xô mua những mặt hàng có khả năng phải đối mặt với mức giá cao hơn do thuế quan, chẳng hạn như ô tô, mặc dù họ vẫn thận trọng”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết:
Cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Bloomberg đối với các nhà kinh tế cho thấy GDP sẽ tăng trưởng dưới 1% trong mỗi quý đầu năm nay, với việc đầu tư tư nhân bị cắt giảm. Người tiêu dùng cũng được cho là đang hạn chế mua sắm khi càng lo ngại về vấn đề việc làm.
Một báo cáo quan trọng khác trong tuần này là chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – được công bố vào thứ Tư (30/4). Trong đó, các nhà kinh tế dự kiến chỉ số PCE cơ bản (không bao gồm các loại thực phẩm và năng lượng) sẽ đạt mức 2,5% vào tháng 3, giảm so với mức 2,8% được ghi nhận vào tháng 2.
Dữ liệu này được công bố trước khoảng một tuần khi cuộc họp của Fed diễn ra vào tháng 5, tại đó các nhà kinh tế dự kiến sẽ không có thay đổi nào về lãi suất.
Cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ)
Về mặt chính sách, BOJ đang được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách vào thứ Năm (1/5) khi các nhà chức trách đánh giá tác động có thể xảy ra từ thuế quan.
Các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát dự báo rằng BOJ có thể phải giữ nguyên lãi suất trong suốt phần còn lại của năm 2025.
Ngoài ra, vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Mỹ và Nhật Bản dự kiến diễn ra vào giữa tuần này cũng có thể làm sáng tỏ vấn đề thuế quan.
Trong tuần trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát cơ bản hội tụ về mục tiêu 2% như dự kiến. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương sẽ xem xét kỹ lưỡng cách thức các thông tin khác nhau, bao gồm cả thông tin về hậu quả kinh tế tiềm ẩn từ mức thuế quan cao hơn của Mỹ có thể ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu giá một cách bền vững – đây là điều kiện tiên quyết để tiếp tục tăng lãi suất.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Dữ liệu sản xuất PMI của Trung Quốc cho tháng 4 sẽ được công bố vào thứ Tư (30/4), với chỉ số có khả năng giảm do căng thẳng thương mại cũng như ổn định trở lại sau đợt tăng trưởng theo mùa vào tháng 3.
Bloomberg Economics ước tính rằng thuế quan ở mức hiện tại có thể làm giảm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ trong trung hạn, gây rủi ro tới 2,3% GDP của nước này, điều này có thể tạo nên thêm áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các biện pháp kích thích.