Các tập đoàn công nghệ lớn nợ hàng tỷ euro tiền phạt
Hiếm có tháng nào trôi qua mà các công ty công nghệ lớn trên thế giới không bị xử phạt vì ấn định giá, đè bẹp đối thủ cạnh tranh hoặc lạm dụng dữ liệu. Nhưng phải nhiều năm sau, họ mới chịu nộp chút ít tiền phạt.
Cơ quan quản lý dữ liệu của Ireland xác nhận với hãng AFP rằng tập đoàn Meta đã không trả bất kỳ đồng nào trong số 2 tỷ euro tiền phạt được ban hành kể từ tháng 9 năm ngoái. TikTok cũng nợ hàng trăm triệu euro.
Amazon vẫn đang kháng cáo khoản tiền phạt 746 triệu euro từ năm 2021, theo cơ quan quản lý dữ liệu của Luxembourg.
Google vẫn đang tranh cãi về số tiền phạt hơn 8 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) vì lạm dụng vị thế thị trường từ năm 2017 đến năm 2019.
Nhiều năm qua, Apple đã đấu tranh với án phạt chống độc quyền 1,1 tỷ euro của Pháp và lệnh nộp 13 tỷ euro tiền thuế cho Ireland.
Vấn đề này thường xuyên xảy ra trên toàn thế giới và liên quan đến các công ty công nghệ thuộc mọi quy mô, không chỉ riêng bốn công ty lớn trên.
Tuần trước, Australia xác nhận rằng công ty X (trước đây là Twitter) đã không nộp phạt vì không trình được kế hoạch dập tắt nội dung mô tả lạm dụng tình dục trẻ em, mặc dù X đang phản đối.
Các nhà phê bình cho rằng việc phạt tiền các công ty công nghệ không ngăn được hành vi xấu của họ và đã đến lúc phải hành động quyết liệt hơn.
Nhà nghiên cứu Margarida Silva tại Trung tâm Nghiên cứu Đa quốc gia tại Hà Lan chỉ ra rằng các công ty công nghệ từ lâu đã nổi danh là “trì trệ” trong nộp phạt.
Bà lập luận điều này khiến ngành công nghệ trở nên khác biệt với các ngành như tài chính, nơi vẫn có động cơ trả tiền để trấn an công chúng và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Romain Rard, luật sư tại công ty Gide Loyrette Nouel ở Paris, cho rằng việc các công ty tìm cách kháng cáo những hình phạt nặng là điều bình thường.
Và đã có những thành công đáng chú ý đối với các tập đoàn lớn. Các hãng chip Intel và Qualcomm gần đây đều đã được hủy bỏ hoặc giảm đáng kể các khoản phạt chống độc quyền trị giá hàng tỷ euro của EU sau khi kháng cáo.
Hệ thống pháp lý của châu Âu khác với các khu vực pháp lý như Trung Quốc hay Mỹ, nơi các khoản tiền phạt thường được đưa ra sau một quá trình dài và được công bố dưới dạng giải quyết.
Năm 2019, Facebook đã phải trả khoản tiền phạt kỷ lục 5 tỷ USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vì vụ bê bối Cambridge Analytica.
Và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba từng thông báo với các nhà đầu tư vào năm 2021 rằng họ đã ngay lập tức nộp khoản tiền phạt kỷ lục gần 3 tỷ USD cho các cơ quan quản lý Trung Quốc vào năm 2021.
Các nhà hoạt động cho rằng các tập đoàn này đơn giản là quá giàu có nên hình phạt tài chính sẽ không có nhiều tác động.
Luật sư người Áo Max Schrems cho biết vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do việc áp dụng các quy tắc không đồng đều.
Ông cho biết Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland đã cho các công ty quá nhiều thời gian trong quá trình kháng cáo, sau đó lại đưa ra các khoản tiền phạt quá nhỏ.
Trả lời phỏng vấn với AFP, Phó ủy viên bảo vệ dữ liệu Ireland Graham Doyle cho biết tiền phạt chỉ là một phần của câu chuyện. Ông nói: “Với phần lớn các cuộc điều tra mà chúng tôi đã hoàn tất, chúng tôi đều đã áp dụng các biện pháp khắc phục, mặc dù tiền phạt có xu hướng gây chú ý nhiều nhất”.
Ông nhấn mạnh cuộc điều tra về việc Instagram xử lý dữ liệu trẻ em. Khoản tiền phạt 405 triệu euro đang bị kháng cáo, nhưng ông Doyle nhấn mạnh rằng nền tảng này đã khắc phục được vấn đề ban đầu.
Các nhà hoạt động cũng đồng ý tiền phạt chỉ có thể là một phần của giải pháp.
Bà Silva lập luận rằng thay vì loay hoay với các hình phạt tài chính, đã đến lúc các cơ quan quản lý cạnh tranh phải vào cuộc.
Bà kêu gọi họ dừng các hoạt động tiếp quản và sáp nhập trong tương lai trong lĩnh vực này, đồng thời khắc phục những thiệt hại trong quá khứ.
Bà nói: “Vấn đề của Meta sẽ hoàn toàn khác nếu họ không được phép mua Instagram và WhatsApp”.