Các tập đoàn lớn của Trung Quốc bị trừng phạt, nhà đầu tư dè chừng
Các công ty Trung Quốc thu hút dòng vốn khổng lồ từ nhà đầu tư quốc tế trong 30 năm qua. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát, giới đầu tư bắt đầu e ngại.
Theo Nikkei Asian Review, khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân, giới đầu tư quốc tế buộc phải cân nhắc lại về chiến lược của mình. Những quy định nghiêm ngặt của Bắc Kinh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với nhà đầu tư.
Trong vòng 30 năm qua, các công ty Trung Quốc thu hút hàng trăm tỷ USD từ những nhà đầu tư trên toàn cầu. Đó là các nhà đầu tư tìm kiếm những dự án rủi ro cao, lợi nhuận cao. Nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi.
Mục tiêu đầu tiên của chính quyền Trung Quốc là lĩnh vực công nghệ. Hồi tháng 11/2020, Bắc Kinh bất ngờ yêu cầu Ant Group - công ty công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và thay đổi mô hình kinh doanh.
Giáng đòn hàng loạt
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh. Những công ty khác - bao gồm Tencent và Pinduoduo - bị buộc tội vì các hành vi phản cạnh tranh.
Didi - hãng gọi xe được SoftBank rót vốn - từng giành thế thống trị tuyệt đối tại thị trường gọi xe Trung Quốc. Hãng chiến thắng cuộc đua giảm giá khốc liệt và thành công mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã ngăn công ty đăng ký khách hàng và tài xế mới. Ứng dụng của Didi cũng bị xóa khỏi những cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Gã khổng lồ gọi xe bị cáo buộc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp. Vụ điều tra diễn ra ngay sau khi Didi IPO thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.
Đến ngày 24/7, Trung Quốc yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chỉ trích về "căn bệnh kinh niên", xuất phát từ việc các doanh nghiệp kiếm lời trên nỗi lo lắng của cha mẹ rằng con cái họ bị bỏ lại trong một hệ thống giáo dục "học để thi".
Hệ thống giáo dục của Trung Quốc tập trung vào Gaokao - kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới. Quá trình thi được thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo mang đến một sân chơi bình đẳng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng "ngành công nghiệp dạy thêm" là cách để những cha mẹ giàu có chiếm ưu thế.
Các cơ quan quản lý Bắc Kinh cũng đẩy mạnh nỗ lực "chống độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng vốn gây mất trật tự".
Nhà đầu tư e ngại
Hôm 3/8, Nhật báo Thông tin Kinh tế đăng tải một bài báo chỉ trích ngành công nghiệp game. Bài viết mô tả trò chơi trực tuyến là "thuốc phiện tinh thần" và nhắm vào gã khổng lồ game Tencent.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc các đòn giáng lên doanh nghiệp sẽ mở rộng hơn nữa. Những ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe và bất động sản có thể là mục tiêu tiếp theo của các cơ quan quản lý. Theo Nikkei Asian Review, đó là những lĩnh vực nhận được nhiều mối quan tâm của dư luận.
Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, một công ty dữ liệu y tế đã tạm dừng kế hoạch IPO trên sàn Mỹ vì sợ lôi kéo sự chú ý của cơ quan quản lý Bắc Kinh.
Các doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận đã trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. Do đó, nhà đầu tư nên đánh giá lại "tính đúng đắn" của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Giới đầu tư cũng lo ngại về những tác động đối với các doanh nhân và nhà sáng lập doanh nghiệp. Họ có thể tìm đến những kế hoạch kinh doanh ít tham vọng hơn.
Hiểu các quy tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh tại một quốc gia là điều cơ bản khi đầu tư cổ phần ở đó. Với những quy tắc đang thay đổi nhanh tại Trung Quốc, các nhà đầu cần phải cảnh giác
Nikkei Asian Review
CNN nhận định chiến lược của Bắc Kinh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. 1.200 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi những công ty lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cuộc thanh trừng có thể bóp nghẹt tinh thần kinh doanh của đất nước.
Đây vốn là yếu tố quan trọng trong quá trình tự do hóa kinh tế và tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu điều chỉnh danh mục đầu tư sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
"Việc siết chặt quy định có thể mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp, bởi nhiều lĩnh vực đã không được kiểm soát", ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học SOAS London, nhận xét.
"Tuy nhiên, việc gia tăng kiểm soát cũng báo hiệu cho các doanh nghiệp tư nhân rằng họ sẽ phải cẩn thận hơn trong từng đường đi nước bước và làm theo sự lãnh đạo của những cơ quan quản lý", ông nói thêm.
Nói với Nikkei Asian Review, một nhà quản lý tin rằng các kỳ lân Trung Quốc (những doanh nghiệp tư nhân được định giá hơn 1 tỷ USD) có nguy cơ cao bị buộc tội theo đuổi "việc mở rộng gây mất trật tự".
Các quỹ đầu tư Mỹ và SoftBank Group - những công ty nắm giữ lượng lớn cổ phiếu trong các kỳ lân Trung Quốc - có thể buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư khởi nghiệp của mình.
"Hiểu các quy tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh tại một quốc gia là điều cần thiết khi đầu tư cổ phần ở đó. Với những quy tắc đang thay đổi nhanh tại Trung Quốc, các nhà đầu cần phải cảnh giác", Nikkei Asian Review nhấn mạnh.