Các tập đoàn lớn Trung Quốc phải trả giá vì chèn ép doanh nghiệp nhỏ

Chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khi những tập đoàn này lạm dụng vị thế thống trị để chèn ép đối tác và khách hàng.

Cơn phẫn nộ đối với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc ngày càng phình to, nhất là từ những doanh nghiệp nhỏ. Theo CNBC, họ cảm thấy bị các tập đoàn lớn chèn ép.

Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã vào cuộc. Hồi tháng 11/2020, Bắc Kinh bất ngờ yêu cầu Ant Group - công ty công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và thay đổi mô hình kinh doanh.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh. Những công ty khác - bao gồm Tencent và Pinduoduo - bị buộc tội vì các hành vi phản cạnh tranh.

Chính quyền Bắc Kinh ngăn Didi - hãng gọi xe được SoftBank rót vốn - đăng ký khách hàng và tài xế mới. Ứng dụng của Didi cũng bị xóa khỏi những cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

 Sau khi yêu cầu Ant Group hoãn IPO, chính quyền Trung Quốc giáng đòn lên nhiều tập đoàn tư nhân khác. Ảnh: Reuters.

Sau khi yêu cầu Ant Group hoãn IPO, chính quyền Trung Quốc giáng đòn lên nhiều tập đoàn tư nhân khác. Ảnh: Reuters.

Vị thế thống trị

Gã khổng lồ gọi xe bị cáo buộc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp. Vụ điều tra diễn ra ngay sau khi Didi IPO thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.

Đến ngày 24/7, Trung Quốc yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán. "Trông có vẻ như các nền tảng Internet lớn mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội hơn. Nhưng họ cũng khiến chúng tôi chịu áp lực tài chính lớn", CNBC dẫn lời một chủ nhà hàng giấu tên ở Bắc Kinh.

Ban đầu, cô đăng bán hàng trên Meituan - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất thị trường Trung Quốc - và phải trả phí 18%. Nhân viên của Meituan nói với cô rằng đây là mức phí thấp nhất trên trang web. Do đó, cô không thể đăng bán trên những trang khác.

Khi đại dịch khiến các thực khách không thể đến nhà hàng, cô đã đăng bán thêm trên nền tảng giao đồ ăn Ele.me của Alibaba. Nhân viên của Meituan gọi ngay cho cô và rất giận dữ. Họ nói rằng cô sẽ phải trả phí 25% nếu không xóa Ele.me. Sau đó, cô quyết định hủy bán hàng trên Meituan.

 Các nhân viên giao hàng phải di chuyển với tốc độ nhanh để giao nhiều đơn nhất có thể. Ảnh: Reuters.

Các nhân viên giao hàng phải di chuyển với tốc độ nhanh để giao nhiều đơn nhất có thể. Ảnh: Reuters.

Hồi năm ngoái, tập đoàn này hứng chịu chỉ trích vì trả lương thấp cho hơn 9,5 triệu nhân viên giao hàng. Họ là những người lao động đối mặt với nguy cơ bị thương, thậm chí tử vong do vội vã di chuyển để kịp giao hàng.

Hồi tháng 7, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đã yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn trả lương tối thiểu cho người lao động. Các động thái được đưa ra trong bối cảnh truyền thông và dư luận Trung Quốc ngày càng bất bình với những tập đoàn công nghệ lớn và văn hóa bán mạng để làm việc tại các công ty này.

Đầu năm 2021, hai nhân viên của hãng thương mại điện tử Pinduoduo đã qua đời do làm việc quá sức. Mùa hè năm nay, ByteDance - công ty mẹ của TikTok - và Kuaishou đã xóa bỏ chính sách yêu cầu nhân viên làm việc vào chủ nhật cách tuần.

"Nếu tất cả những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày đều do một hoặc hai công ty kiểm soát, làm sao chúng ta có thể thương lượng?", anh Yang Guang, chủ một cửa hàng tiện lợi trong khu chung cư ở Bắc Kinh, bình luận.

Anh cho biết không đăng bán trên các nền tảng giao hàng như Meituan và Ele.me. Bởi họ yêu cầu phí lên đến 15-25%. Thay vào đó, anh Yang và vợ tự giao hàng cho những khách hàng ở gần và liên lạc thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat.

Chèn ép doanh nghiệp nhỏ

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc có khoảng 139 triệu doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, chỉ số quản lý mua hàng tháng 7 chỉ ra các doanh nghiệp nhỏ đang ở tình trạng ngày càng tồi tệ trong tháng thứ 2 liên tiếp. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ.

Cuộc trấn áp của Bắc Kinh tập trung vào hạn chế các hoạt động độc quyền, tăng cường bảo mật dữ liệu và khuyến khích sinh con nhiều hơn.

"Các nhà chức trách đang cố gắng giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập", ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, bình luận. Theo ông, trong năm 2021, họ có cơ hội hiếm có để giải quyết những vấn đề dài hạn mà không phải lo lắng nhiều về tăng trưởng.

Các quan chức Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay. Còn giới chuyên gia dự báo nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tăng 8-8,5%.

Giá cổ phiếu của những công ty dạy thêm Trung Quốc đã lao dốc mạnh sau quy định mới của Bắc Kinh. Theo Nikkei Asian Review, sự lo lắng của các bậc cha mẹ Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp luyện thi và dạy thêm trị giá hàng tỷ USD. Tuổi thơ của nhiều trẻ em Trung Quốc gắn liền với việc học thêm liên tục.

 Chi phí nuôi dạy con cái tăng vọt khiến nhiều người trẻ do dự trong việc lập gia đình. Ảnh: Reuters.

Chi phí nuôi dạy con cái tăng vọt khiến nhiều người trẻ do dự trong việc lập gia đình. Ảnh: Reuters.

Cuộc chạy đua khiến chi phí nuôi dạy con cái tăng vọt. Nhiều người trẻ do dự trong việc lập gia đình. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, 78,4% gia đình đã chi tiền cho dịch vụ giáo dục trong năm qua. Khoảng 70% gia đình trả ít nhất 1.800 USD/năm tiền học thêm của con cái.

Trong khi đó, mức lương trung bình hàng tháng ở các thành phố hàng đầu là 1.300 USD. Điều đó có nghĩa là trung bình, chi phí giáo dục hàng tháng của một đứa trẻ chiếm ít nhất 12% thu nhập của cha mẹ.

Theo báo cáo của Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải, hơn 84% phụ huynh được khảo sát cho biết họ chịu áp lực về học phí. 55,2% người thừa nhận tiền học thêm của con cái "rất căng thẳng".

Mục đích của các chính sách mới là giảm chi phí giáo dục, nhất là đối với những gia đình nghèo hơn, sống ở các vùng nông thôn

Chuyên gia Hongye Wang thuộc công ty đầu tư mạo hiểm Antler

"Mục đích của các chính sách mới là giảm chi phí giáo dục, nhất là đối với những gia đình nghèo hơn, sống ở các vùng nông thôn", chuyên gia Hongye Wang tại công ty đầu tư mạo hiểm Antler bình luận.

"Chính quyền có thể cũng muốn cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế của người dân", ông nói thêm.

Theo Nikkei Asian Review, ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc các đòn giáng lên doanh nghiệp sẽ mở rộng hơn nữa. Những ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe và bất động sản có thể là mục tiêu tiếp theo của các cơ quan quản lý. Đó đều là những lĩnh vực nhận được nhiều mối quan tâm của dư luận.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, một công ty dữ liệu y tế đã tạm dừng kế hoạch IPO trên sàn Mỹ vì sợ lôi kéo sự chú ý của cơ quan quản lý Bắc Kinh.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-tap-doan-lon-trung-quoc-phai-tra-gia-vi-chen-ep-doanh-nghiep-nho-post1250292.html