Các thành phố lớn Trung Quốc đồng loạt 'quay xe' giải cứu bất động sản
Các thành phố lớn tại Trung Quốc đồng loạt đưa ra giải pháp giải cứu bất động sản sau tín hiệu của chính quyền Bắc Kinh. Sau nhiều năm khủng hoảng, thị trường địa ốc chưa biết có phục hồi nhanh không nhưng cổ phiếu đã tăng mạnh
Nới lỏng mọi hạn chế về sở hữu nhà
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa ghi nhận một phiên tăng điểm rất mạnh khi chính quyền nhiều địa phương đồng loạt công bố các biện pháp giải cứu thị trường bất động sản, sau tín hiệu của chính quyền Bắc Kinh.
Chính quyền TP Quảng Châu hôm 29/9 bất ngờ thông báo, mọi hạn chế đối với việc mua nhà sẽ được gỡ bỏ và quyết định có hiệu lực ngay từ ngày 30/9.
Theo quy định trước đó, các hộ gia đình nhập cư chuyển đến TP Quảng Châu sinh sống phải đóng thuế hoặc bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng mới có đủ điều kiện để mua tối đa 2 căn nhà. Những người độc thân thì bị giới hạn chỉ được mua một căn hộ. Giờ đây, các điều kiện này đã được gỡ bỏ.
Chính quyền TP Thượng Hải cũng quyết định giảm thời hạn nộp thuế bắt buộc từ 3 năm xuống còn 1 năm (để có thể mua nhà). Thành phố hạ tỷ lệ thanh toán ban đầu đối với các giao dịch mua căn nhà đầu tiên xuống còn 15%. Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/10.
Chính quyền Thâm Quyến có động thái tương tự khi nới lỏng các hạn chế mua nhà. Trước đó, thành phố này giới hạn các gia đình trong địa phương chỉ được sở hữu tối đa 2 căn nhà. Người độc thân chỉ được sở hữu một căn. Quy định mới cho phép người dân có thể mua thêm một căn hộ ở một số quận nhất định. Các gia đình nhập cư, nếu có ít nhất 2 con thì được mua 2 căn nhà, thay vì 1 căn như trước.
Những động thái nới lỏng điều kiện mua nhà của một số thành phố lớn tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh phát tín hiệu với nhiều biện pháp giải cứu thị trường bất động sản sau vài năm thị trường này chìm trong khủng hoảng và ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc vừa có một loạt biện pháp cứu trợ nền kinh tế, như hạ lãi suất cho vay đối với các khoản thế chấp, tính mua lại nguồn cung căn hộ dư thừa...
Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 26/9 đã thống nhất thúc đẩy chi tiêu tài khóa, ổn định thị trường bất động sản và quyết tâm đạt được các mục tiêu kinh tế năm 2024.
Bloomberg dẫn một nguồn tin cho biết, Bộ Tài chính Trung Quốc lên kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ đặc biệt trị giá vài trăm tỷ USD trong năm 2024 nhằm kích thích tiêu dùng và giúp chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nợ nần.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm 20-30 điểm đối với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR).
Cổ phiếu địa ốc tăng mạnh, bất động sản Trung Quốc có sớm hồi phục?
Trong phiên giao dịch ngày 30/9, chỉ số bất động sản đại lục Hang Seng tăng 7%, kéo dài chuỗi ngày tăng điểm của nhóm cổ phiếu này. Tuần trước, giá các mã địa ốc đã tăng hơn 30%.
Nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng tăng giá, góp phần đẩy chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục tăng 8,5% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9. Chỉ số này đã có tuần tăng mạnh nhất trong 16 năm (từ 23-27/9).
Trong phiên 30/9, nhiều cổ phiếu của các ông lớn bất động sản tăng rất mạnh như Longfor Group Holdings (niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong) tăng 12,4%; Hang Lung Properties tăng 12,7%; China Vanke tăng 11,7%...
Trên CNBC, giám đốc điều hành tại tập đoàn nghiên cứu Rhodium Group - Allen Feng cho rằng việc nới lỏng các hạn chế mua bán nhà ở có thể giúp thúc đẩy doanh số bán bất động sản ở các thành phố hạng nhất - như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Hơn 4 năm qua, thị trường bất động và xây dựng tại Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện các biện pháp mạnh để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém trong lĩnh vực này. Một số tập đoàn như Evergrande, Country Garden phá sản.
Tuy nhiên, bất động sản và xây dựng chiếm hơn 25% GDP của Trung Quốc. Vì thế, tác động tới nền kinh tế số hai thế giới là rất nặng nề. Nhiều ngành liên quan tới bất động sản cũng lao đao.
Những tín hiệu “quay xe” giải cứu bất động sản lần này được xem là điều hiếm có. Không chỉ chính sách cứu trợ bất động sản, Bắc Kinh cũng tung nhiều giải pháp kích thích thị trường tài chính.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là: sau nhiều năm khủng hoảng, thị trường bất động sản Trung Quốc liệu có thể nhanh chóng hồi phục? Một cơ thể ốm yếu kiệt quệ có hồi sức nhanh được không?
Trong một chia sẻ trên CNBC, chuyên gia Allen Feng nhận xét, biện pháp nới lỏng các hạn chế mua bán nhà ở tương tự đã được thực hiện ở một số thành phố nhỏ khác ở Trung Quốc, nhưng không có nhiều hiệu quả.
Lý do, theo Gary Ng - chuyên gia kinh tế đến từ Natixis, bởi "mức tồn kho cao".
Trên thực tế, cú sụp đổ trên thị trường bất động sản Trung Quốc vài năm qua đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Nguyên nhân là bởi chính quyền Bắc Kinh lo ngại tình trạng các tập đoàn địa ốc lớn phát triển quá nhanh, tỷ lệ nợ tăng sốc và xuất hiện tình trạng dư cung nhà ở.
Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận xét, kết luận dư cung nhà ở Trung Quốc là không hoàn toàn chính xác. Ở các thành phố lớn, ngay cả khi khủng hoảng bất động sản diễn ra, nhiều loại sản phẩm bất động sản vẫn tăng giá. Tình trạng thiếu căn hộ cho người dân ở các thành phố hạng nhất vẫn xảy ra. Người dân phải sống trong những căn hộ chật hẹp, 1 phòng ngủ cho cả gia đình.
Hiện tượng dư thừa được nói đến có lẽ chủ yếu là ở các khu vực xa các thành phố lớn, thiếu trường học, bệnh viện, việc làm,... Doanh nghiệp phát triển bất động sản Trung Quốc có thể đã vay nợ nhiều và đầu tư quá nhanh vào những nơi chưa đủ điều kiện hút người dân về sinh sống.