Các thành viên Chính phủ đã làm rõ nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý được phân công
Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm; các ý kiến của các Bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý được phân công về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, trong một ngày 30/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 34 đại biểu phát biểu ý kiến, 8 ý kiến đại biểu tranh luận; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nhìn chung, nội dung thảo luận đảm bảo toàn diện, các ý kiến góp ý phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng; ý kiến của các Bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý được phân công.
Về các nội dung cụ thể, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao về việc Quốc hội quyết định giám sát ngay trong quá trình thực hiện nhằm nhận diện đúng kết quả, những khó khăn để tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến.
Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của Đoàn giám sát để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao; sự phối hợp của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại biểu Quốc hội… góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, quá trình giám sát đã tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành.
Về Nghị quyết giám sát chuyên đề, Quốc hội yêu cầu hoàn chỉnh Nghị quyết giám sát. Cụ thể, đề nghị Chính phủ có các giải pháp để cân đối, bố trí đủ ngân sách Chương trình theo các Nghị quyết Quốc hội, đồng thời cân đối thêm như Nghị quyết Quốc hội ở các nhiệm kỳ; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn những vấn đề thuộc thẩm quyền để tháo gỡ và thực hiện tốt hơn các cơ chế hỗ trợ sản xuất cộng đồng và sản xuất theo chuỗi, cơ chế về vốn đối ứng và cơ chế đặc thù đối với các địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nội dung đặc thù một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tổ chức phong trào thi đua thực chất hơn, nhất là phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát mô hình tổ chức của các Ban chỉ đạo, văn phòng, bộ phận giúp việc của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở, xã, phường ban hành các loại sổ tay hướng dẫn tổ chức tốt hoạt động truyền thông, xây dựng ý thức tự vươn lên thoát nghèo của nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, cập nhật đầy đủ số lượng giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.